Ly cà phê và ba giai đoạn làm giàu

10:53 - 07/11/2024

Khi nghĩ về sự giàu có và ổn định tài chính, những thói quen nhỏ hàng ngày thường không được coi là yếu tố quyết định thành bại. Tuy nhiên, Jaspreet Singh cho rằng chi tiêu thận trọng đóng vai trò rất quan trọng. Ông kể câu chuyện về cha mẹ mình, những người Ấn Độ nhập cư sau nhiều thập kỷ ở Mỹ đã quyết định thưởng thức thú vui hiếm hoi: Ra nhà hàng uống cà phê. Mẹ của Singh rất ngạc nhiên khi giá của hai tách cà phê và một món tráng miệng là 10 USD, thêm một tách nữa số tiền lên tới 15 USD. Singh chia sẻ câu chuyện này để bắt đầu cuộc thảo luận về các khoản chi tiêu hàng ngày, chẳng hạn như cà phê và trà, đồ uống mà nhiều người luôn coi là tầm thường. Ông chỉ ra rằng, chính những khoản chi tiêu nhỏ này có thể làm cạn kiệt tài chính một cách tinh vi, đặc biệt là nếu bạn chưa đạt đến giai đoạn ổn định về tài chính. "Hãy cẩn thận với những chi phí nhỏ. Vì một vết nứt nhỏ cũng có thể làm chìm cả con tàu lớn", Jaspreet Singh nói. Ảnh minh họa:academicinfluence.com Trong chương trình, Singh cũng giới thiệu tới ba giai đoạn xây dựng sự giàu có với các hành động và ưu tiên cụ thể. Giai đoạn một: Nền tảng Giai đoạn đầu là về thiết lập mạng lưới an toàn tài chính, tập trung vào việc tiết kiệm những khoản tiền đầu tiên và xóa bỏ khoản nợ lãi suất cao. Nếu tài chính của bạn đang ở giai đoạn này, việc chi tiêu tùy ý cho những thứ như cà phê hoặc trà có thương hiệu không chỉ là xa xỉ mà còn là trở ngại tiềm ẩn. Những mặt hàng có vẻ nhỏ nhặt nhưng thường xuyên tại thời điểm này có thể trở thành một khoản tiền đáng kể theo thời gian. "Khi bạn chưa giàu thì đừng uống cà phê sang chảnh, hãy để tiền đó thành một khoản tiết kiệm kha khá", Jaspreet Singh nói. Giai đoạn hai: Xây dựng và phát triển Sau khi đảm bảo nền tảng tài chính, giai đoạn tiếp theo liên quan đến việc tạo ra một hệ thống tài chính vững chắc, trong đó Singh gợi ý quy tắc 75/15/10 nhằm quản lý thu nhập, trong đó 75% thu nhập cho chi phí hàng ngày như tiền thuê nhà, mua bán nhu yếu phẩm cần thiết; 15% cho đầu tư cổ phiếu, bất động sản; 10% tiết kiệm cho các khoản phát sinh bất ngờ. "Nếu bạn đang ở giai đoạn này, việc thưởng thức một tách cà phê Starbucks có thể vẫn hợp lý, miễn là nó phù hợp với ngân sách chi tiêu được phân bổ", Jaspreet Singh nói. Theo Singh, lúc này nên chú trọng vào "Big 3" bao gồm chi phí nhà ở, đi lại và thực phẩm, bởi chiếm gần 70% ngân sách trung bình của một hộ gia đình. Đây là nơi có thể tìm cách cắt giảm chi phí và dùng khoản tiền đó tiết kiệm. Giai đoạn ba: Tự do tài chính Trong giai đoạn này, thu nhập đã vượt quá chi phí sinh hoạt cơ bản, mang đến cho bạn sự tự do tài chính để tận hưởng những thứ xa xỉ trong cuộc sống, như tách cà phê hảo hạng mà không phải lo lắng về tài chính. Singh nhấn mạnh, ở giai đoạn này chi phí mua một cốc cà phê hay một cốc trà không còn phải cân nhắc nhưng có những quyết định quan trọng hơn vẫn trực tiếp tác động mạnh đến hành trình làm giàu. Ông chỉ ra những khoản chi như xe hơi sang trọng, căn hộ cao cấp hay đồ nội thất đắt tiền có khả năng gây tổn hại đến tài chính. "Sự giàu có không chỉ nằm ở số tiền kiếm được, mà còn ở cách chi tiêu khôn ngoan như thế nào". Jaspreet Singh nhấn mạnh, mỗi cốc cà phê hay những khoản mua sắm nhỏ đều phản ánh ưu tiên ở những giai đoạn tài chính khác nhau. Bản chất của sự khôn ngoan về tài chính, theo vị chuyên gia nằm ở việc nhận ra khi nào và ở đâu nên tiêu tiền. "Nên bắt đầu bằng cách hiểu tình hình tài chính hiện tại, sau đó đưa ra quyết định phù hợp với thu nhập và mục tiêu của mình", vị chuyên gia nói. Trang Vy (Theo gobankingrates)

Cuộc chiến tâm lý của cha mẹ Việt khi con kết hôn muộn

10:53 - 07/11/2024

"Chẳng lẽ ông trời đang đùa giỡn bố mẹ?", người cha 68 tuổi kết bức thư. 30 năm trước, vợ chồng ông mang bốn con thơ từ vùng sâu xuống một thị trấn thuộc tỉnh Nghệ An với ước mơ: cho con thoát mù chữ. Đến nay, bốn người con của ông Thạch đã tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định. Hai con trai đầu lấy vợ từ chục năm trước. Hai cô con gái nay đã 34 và 31 tuổi vẫn "dửng dưng chuyện chồng con". Ông nói giờ đã bên kia sườn dốc cuộc đời, nhà cao cửa rộng không thiết nữa chỉ mong sớm các con sớm yên bề gia thất. Vợ ông, bà Hoa, 65 tuổi cũng vì chuyện này mà nhiều đêm trăn trở. Bà mong con kết hôn không hẳn vì sợ chúng ế mà muốn con có người để gắn bó, sẻ chia lâu dài. "Chúng tôi trước sau gì cũng chết, bốn anh em có yêu thương nhau đến đâu cũng không thể bằng người bạn đời", bà nói. Nỗi lo con cái kết hôn muộn của vợ chồng ông Thạch cũng là cuộc chiến tâm lý của hàng triệu bậc cha mẹ Việt. Truyền thống kết hôn trước tuổi 30 và xu hướng coi nhẹ hôn nhân, đề cao tự do cá nhân va chạm ngày càng gay gắt. Tuổi kết hôn trung bình tại Việt Nam liên tục tăng trong các năm qua. Năm 1999 là 24,1 tuổi lên 25,2 tuổi năm 2019. Đến năm 2023 tuổi kết hôn lần đầu là 27,2 tuổi. Tại TP. HCM, con số này thậm chí vượt ngưỡng 30 tuổi. Thống kê cho thấy xu hướng độc thân, kết hôn muộn và gia đình đơn thân, lối sống DINK (vợ chồng không con) ngày càng phổ biến. Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ vẫn giữ quan niệm "Con cái chỉ hạnh phúc khi lập gia đình". Trên tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam năm 2022, giáo sư xã hội học Nguyễn Hữu Minh cho rằng tính chất việc lựa chọn bạn đời của người Việt đã thay đổi cơ bản trong mấy thập niên qua. Quyền quyết định của cha mẹ với con cái trong việc hôn nhân ngày càng suy giảm, chỉ 4% để bố mẹ quyết; 14% bố mẹ hỏi con cái rồi quyết; 69% con cái quyết rồi hỏi bố mẹ và 13% con cái quyết định hoàn toàn. "Thanh niên ít lệ thuộc vào gia đình nên có nhiều tự chủ hơn. Yếu tố cá nhân trong hôn nhân giờ được đề cao hơn gia đình hay dòng họ", chuyên gia trong lĩnh vực gia đình và giới nhấn mạnh. Ảnh minh họa: P.D Trong buổi tọa đàm hôm 11/10 tại TP HCM về chủ đề tuổi kết hôn cao, tỷ lệ sinh thấp của thành phố, nhiều bậc cha mẹ bày tỏ lo lắng vì con muộn kết hôn. Một người mẹ phàn nàn con gái 26 tuổi vừa thông báo sẽ đi du học thạc sĩ. Bà hoang mang bởi con "giờ còn đi học thì bao giờ lấy chồng, sinh con". Theo tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, có ba nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này. Đầu tiên, văn hóa của người Việt muốn con cái yên bề gia thất mới yên lòng. Nhiều bậc cha mẹ không coi việc con chưa lập gia đình là vấn đề do con, mà là khuyết điểm của bản thân. "Hôn nhân của con trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá cha mẹ có làm tròn trách nhiệm hay không", tiến sĩ Thúy nói. Thứ hai, cha mẹ Việt muốn có con cháu nối dõi sớm. Nhiều phụ huynh nghĩ mình đang còn sức khỏe nên muốn con cái kết hôn, sinh cháu để giúp đỡ chăm nom. "Thực chất, việc kết hôn đáng lẽ phải theo kế hoạch của con cái nhưng lại bị ép theo 'thời gian biểu' của bố mẹ", chuyên gia nhận xét. Thứ ba là sự khác biệt thế hệ. Trong khi cha mẹ sinh trưởng trong thời kỳ khó khăn, con cái lớn lên trong điều kiện đủ đầy, được tự do theo đuổi sự nghiệp, sở thích và mở rộng tầm nhìn. Kết hôn muộn, thậm chí không kết hôn đang là xu hướng. Ở Thái Bình, bà Ngọc Lan, 60 tuổi, cho biết ít nhất 5 cái Tết gần đây vợ chồng bà đều nhắn nhủ con trai: "Năm tới nhất định phải mang về một nàng dâu về cho bố mẹ". Con trai bà đã gần 40 tuổi vẫn dửng dưng chuyện vợ con. Bà từng tự hào về việc con trai đi du học và trở thành tiến sĩ, nhưng giờ đôi lúc hối tiếc vì cho con "học cao quá". Vợ chồng bà Lan không ít lần thu xếp các buổi xem mắt cho con, nhưng luôn thất bại. Một lần, bà sắp xếp cuộc gặp với một cô gái trong xã làm việc gần cơ quan con ở Hà Nội, nhưng đến ngày hẹn, anh lại đi đá bóng và quên mất. Bà Lan tức giận mắng: "Cái tuổi này đáng lẽ bố mẹ được an nhàn, nhưng vì con mà lo bạc đầu". Người con trai nói "việc của con không khiến bố mẹ bận tâm", rồi dập máy. Gần chục năm nay, năm nào ông Thạch cũng nuôi 50 con gà đồi và đôi lợn để dành làm đám cưới cho các con nhưng chưa được thỏa nguyện. Vợ ông không nhớ đã đi bao nhiêu chùa cầu duyên và làm bao nhiêu lễ "cắt - nối duyên âm". Có điều, chàng rể chưa xuất hiện. Một trong hai cô con gái của ông Thạch tâm sự bố mẹ nhiều khi gây áp lực bằng những ngôn từ gây tổn thương. Điều khiến cô đau lòng hơn nữa là vì lo chuyện của mình mà bố mẹ không dám ăn tiêu, cứ gom góp làm hồi môn cho con. Cô xác định sẽ kết hôn nếu tìm được bạn đời phù hợp. "Không kết hôn thì có lỗi với bố mẹ, mà cưới phải người không hợp, hôn nhân không hạnh phúc lại có lỗi với chính mình", cô chia sẻ. Đi sâu vào tâm lý các bậc cha mẹ, chuyên gia Lã Linh Nga cho biết nhiều bậc phụ huynh bị bó hẹp suy nghĩ và sống với nếp văn hóa làng xã, nên thực sự họ phải chịu áp lực dư luận rất lớn. Dù sao, số đông vẫn coi hôn nhân là một con đường dẫn đến hạnh phúc, ổn định và sự viên mãn trong cuộc đời con người. Chương tiếp theo của ổn định sự nghiệp là yên bề gia thất. Con muộn lấy vợ/chồng, cha mẹ đương nhiên sốt ruột. Họ càng sốt ruột khi nhìn ra xung quanh liên tục đi dự đám cưới, chúc phúc cho người ta, tự dưng nảy sinh tâm lý bị tụt lại phía sau, trốn tránh hòa nhập xã hội. Một số có phản ứng cực đoan như thúc giục, soi xét, cằn nhằn con và tham gia thái quá vào cuộc sống con, đẩy không khí gia đình đến căng thẳng. "Tệ hơn, có những người cả một cuộc đời đã lao động vất vả, nên đến tuổi đáng lý được nghỉ ngơi lại vì suy nghĩ chuyện lập gia đình của con mà sinh bệnh", nhà tâm lý nói. Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho biết để thay đổi những yếu tố khác biệt giữa cha mẹ và con cái rất khó khăn. "Tranh luận về hôn nhân giữa cha mẹ và con cái có tìm ra điểm chung hay không còn tùy thuộc vào việc có bao nhiêu người nhận thức được: trao tự do cho con cái cũng là giải thoát cho mình", bà Thúy nói. Sau cuộc "chiến tranh lạnh" dài ba tháng, mẹ con bà Lan cuối cùng đã tìm được tiếng nói chung. Hôm về ăn giỗ, anh con trai chia sẻ thẳng thắn với bố mẹ "Hôn nhân là chuyện của con, hãy cho phép con được tự định đoạt". "Trong thời gian đó tôi cũng tỉnh ngộ. Giờ chỉ sống cho mình, chuyện vợ con kệ nó", bà nói. Riêng ông bà Thạch vẫn chưa thể buông bỏ hoàn toàn. Mỗi lần được khuyên "sống vui khỏe, hưởng phúc bên con cháu", ông bà chỉ thở dài. "Cả đời hy sinh vì con, giờ còn mỗi việc lo xong đám cưới cho chúng mà mãi không được thành toàn", ông nói. Phan Dương