"Niềm hy vọng trúng số khiến tôi quên đi cuộc sống nhọc nhằn, dù chỉ trong giây lát", cô nói.
Chồng Kim là nhân viên văn phòng, thu nhập ổn định nhưng cô chẳng thể nhớ lần cuối cùng gia đình họ có thể tự thưởng cho mình món gì đó ngon, đi du lịch càng xa vời.
Họ cần tiền để nuôi con nhưng chồng cô đã vay mua nhà với lãi suất cao. Sau Covid-19, lạm phát cùng chi phí sinh hoạt tăng vọt khiến cô luôn sống trong lo âu về tiền bạc.
"Tôi nghĩ nếu trúng số có phải mọi thứ sẽ biến mất không", Kim nói. "Trong khi thực tại có thức ăn trên bàn hay mái nhà che nắng mưa cũng đã là thử thách".
Vài tuần một lần, Jang, 20 tuổi, cũng dành tiền mua 5 tờ xổ số vào ngày chủ nhật với hy vọng bỗng dưng thay đổi cuộc sống.
"Nó chỉ bị dập tắt khi họ thông báo người trúng giải vào tuần sau", Jang nói. Anh là cử nhân thất nghiệp, đã đi phỏng vấn ở nhiều công ty nhưng không nhận được hồi âm.
Jang nói mình không phải là người đứng đầu lớp nhưng cũng nằm trong top 30. Tuy nhiên, thị trường việc làm ở Hàn Quốc đang trở nên khắc nghiệt.
Có lần, anh đọc tin một đứa trẻ mẫu giáo được tặng hàng tỷ won từ bố mẹ và ông bà. Anh thầm ao ước mình cũng sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng biết cách duy nhất mình có thể cầm trong tay số tiền khổng lồ là trúng số.
Kim và Jang là những người đang thúc đẩy doanh số vé số đạt 3,2 triệu USD trong nửa đầu năm 2024, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái và 62% so với năm 2020, theo Bộ Kinh tế và tài chính Hàn Quốc.
Nếu con số tương tự ở nửa năm sau, tổng doanh thu sẽ vượt mục tiêu 5,5 triệu USD. Trong đó, có 70% vé được bán trực tuyến.
Người trúng giải độc đắc ở Hàn Quốc năm nay có thể nhận 1,7 triệu USD, tăng 30,1% so với 1,3 triệu USD của năm ngoái. Quốc gia này đang bán khoảng 110 triệu vé mỗi tuần.
Theo quy định, 2/3 doanh thu từ vé số sẽ được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho nhóm có thu nhập thấp, người khuyết tật và những người tái hòa nhập xã hội thông qua các chương trình an sinh như hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề và học bổng.
Ngọc Ngân (Theo Korea Times)