Theo Jeffrey Bernstein, tiến sĩ tâm lý học của Đại học Vanderbilt (Mỹ) có một số lý do tiềm ẩn gây ra lựa chọn sai lầm này nhưng không nhiều người nhận ra.

Chấn thương thời thơ ấu

Những trải nghiệm thời thơ ấu định hình nên sự hiểu biết của mỗi người về các mối quan hệ. Chúng có thể để lại những vết sẹo cảm xúc ảnh hưởng đến hành vi khi trưởng thành.

Ví dụ, một người lớn lên trong gia đình không có tình yêu thương, nhu cầu tình cảm bị bỏ bê. Khi trưởng thành, người đó có thể vô thức tìm kiếm những người bạn đời "khéo ăn nói", biết cách vuốt ve cảm xúc của người khác, dễ dàng chấp nhận việc bị ngược đãi. Tất cả trở thành một chu kỳ đau đớn và thất vọng.

Giải pháp xử lý: Cần định hình lại những niềm tin tiêu cực và chữa lành những vết thương trong quá khứ. Xây dựng nhận thức về bản thân và hiểu được tác động của quá trình nuôi dạy đối với các lựa chọn trong mối quan hệ của bạn là bước đầu tiên hướng tới việc đưa ra những quyết định lành mạnh hơn.

Lòng tự trọng thấp

Khi một người thiếu sự tự tin và lòng tự trọng, họ có thể chấp nhận những mối quan hệ phản ánh quan điểm tiêu cực về bản thân. Ví dụ, nếu một người tin rằng mình không xứng đáng được tôn trọng và yêu thương, anh ta có thể chấp nhận hành vi lạm dụng từ bạn đời của mình, nhầm tưởng đó là bình thường hoặc tin rằng mình không xứng đáng được đối xử tốt hơn.

Giải pháp xử lý: Nhận ra và nuôi dưỡng lòng tự trọng của bạn là điều quan trọng. Tham gia vào các hoạt động xây dựng sự tự tin, chẳng hạn như theo đuổi sở thích, đặt ra và đạt được các mục tiêu cá nhân và vây quanh mình bằng những người bạn và gia đình ủng hộ. Ngoài ra, những lời khẳng định và tự nói chuyện tích cực có thể giúp định hình lại tư duy của bản thân.

Sợ cô đơn

Nỗi sợ cô đơn có thể khiến một cá nhân lao vào vòng tay của người bạn đời không phù hợp. Nỗi sợ này thường xuất phát từ áp lực xã hội hoặc nỗi lo lắng cá nhân về sự cô đơn.

Ví dụ, một người có thể vội vã lao vào các mối quan hệ để tránh sự khó chịu vì độc thân, bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo và thỏa hiệp các tiêu chuẩn của mình để có ai đó bên cạnh.

Giải pháp xử lý: Học cách thoải mái với tình trạng hiện tại của bản thân là điều cần thiết. Điều này gắn bó chặt chẽ với việc xây dựng một cuộc sống viên mãn một cách độc lập. Điều này có nghĩa là tham gia vào các hoạt động mang lại niềm vui và sự thỏa mãn, theo đuổi sở thích và mục tiêu riêng, phát triển ý thức mạnh mẽ về bản thân. Cần hoàn thiện bản thân để không bước vào các mối quan hệ vì sợ hãi mà vì mong muốn.

Thùy Linh (Theo Psychology Today)