Chàng trai 29 tuổi ở quận 8, TP HCM thừa nhận đã "nghiện" cảm giác hồi hộp đoán món đồ bên trong và âm thanh xé túi dù mới biết đến hình thức giải trí này gần một tháng.

"Túi mù" thường là nilon bên trong chứa một vật phẩm (đồ chơi) ngẫu nhiên bằng nhựa, kích thước 3-5 cm, chủ yếu là các nhân vật hoạt hình hoặc Labubu. Người mua không biết món đồ chứa trong túi là gì cho đến khi xé túi.

Đức Tiến kể một lần vô tình xem video livestream bóc "túi mù" trên TikTok hồi giữa tháng 9 và bị cuốn hút. Ban đầu, anh tham gia chơi vài phiên livestream đoán vật phẩm trong túi để nhận trúng thưởng nhưng sau đó đặt mua "túi mù" về nhà tự xé. "Bóc túi rất thú vị và phấn khích bởi không biết mình sắp có món đồ chơi nào", anh nói.

Kể từ đó, tuần vài lần nam nhân viên văn phòng chi 100.000 đến 200.000 mua "túi mù" về xé để giải trí. Đến nay anh có khoảng 200 món đồ chơi từ việc xé túi.

Cuối tuần, Tiến mang túi mù ra quán cà phê bóc cùng bạn bè. Những món trùng nhau, anh trao đổi trên các hội, nhóm Facebook hoặc tặng người khác.

Anh Đức Tiến khui túi mù ở quán cà phê thuộc quận 8, TP HCM, chiều 10/10. Ảnh: Ngọc Ngân

Anh Đức Tiến khui túi mù ở quán cà phê thuộc quận 8, TP HCM, chiều 10/10. Ảnh: Ngọc Ngân

Hai ngày một lần, Thiên Thu, 30 tuổi, ở Bình Dương sẽ săn "túi mù" mẫu mới trên TikTok. Cô cảm nhận trend túi mù nở rộ từ cuối tháng 9, thông qua sự xuất hiện dày đặc của các phiên livestream. Thu thích cảm giác chờ đợi đoán hình dáng, màu sắc của chúng.

"Tôi bị cuốn vào sự đáng yêu của những món đồ chơi", Thu nói. "Cảm giác xé một túi sẽ muốn xé tiếp túi tiếp theo, không ngừng". Mỗi túi có giá dao động 2.000-8.000 đồng, tùy theo kích cỡ. Thu thường mua 100 túi dạng size nhỏ hoặc 50 túi size vừa để "bóc cho đã tay".

Trào lưu "xé túi mù" được cho là xuất phát từ blind box - hộp mù ở Trung Quốc, loại đồ chơi được ẩn giấu trong bao bì kích thích sự tò mò của khách hàng. Đây là dòng sản phẩm hiếm hoi tăng trưởng mạnh mẽ giữa làn sóng cắt giảm chi tiêu và tạo nên ngành hàng đồ chơi đạt doanh thu 14 tỷ USD, theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc

Làn sóng này du nhập vào Việt Nam từ khoảng giữa năm 2024. Khảo sát của VnExpress cho thấy trong ba tháng qua, mạng xã hội Facebook xuất hiện hơn 50 hội, nhóm "túi mù", trung bình có 50.000 - 300.000 thành viên, chủ yếu trao đổi thông tin hoặc mua bán. Hashtag #tuimu đã trở thành xu hướng trên TikTok với hàng trăm video và phiên livestream.

Chị Tuyết Hoa, người bán túi mù ở TP HCM, nói món đồ chơi này trở thành cơn sốt trong ba tháng trở lại đây. Charm (đồ chơi trong túi mù) có kích thước đa dạng nhưng phổ biến nhất là 2-10 cm, giá 3.000 - 20.000 đồng. Người mua chủ yếu "nghiện" cảm giác xé túi, charm chỉ dùng để trang trí hoặc làm quà tặng.

Tháng qua, mỗi phiên livestream của chị Hoa đều thu hút nghìn người theo dõi, khách chủ yếu là người trẻ dưới 35 tuổi. Để phục vụ tệp khách này, xưởng (nhà máy) liên tục cung cấp mẫu mã đa dạng, màu sắc tươi sáng. "Sức hút của túi mù nằm ở sự bất ngờ", chị nói.

Thanh Phong, một người bán hàng trên TikTok nói sản phẩm "túi mù" chiếm 50% doanh thu từ các phiên livestream tháng rồi của anh, vượt xa sản phẩm gia dụng và quần áo.

"10 người khách thì có 5 người yêu cầu xé túi mù", anh kể.

Phong cũng là người thích "túi mù". Lần đầu tiên anh mua 6 túi bóc thử và mê cảm giác hồi hộp, tò mò khi xé. Đến nay mỗi tuần Phong chi hai đến ba triệu đồng cho sở thích này.

Anh cho rằng một nguyên nhân nữa khiến "túi mù" trở thành cơn sốt nhờ giá bán không cao, nằm trong khả năng của học sinh, sinh viên và nhân viên văn phòng. Họ xé túi mù chủ yếu để giải trí, dòng sản phẩm được yêu thích nhất là Labubu.

Bộ sưu tập đồ chơi trong túi mù của chị Thiên Thu ở Bình Dương, trưa 10/10. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bộ sưu tập đồ chơi trong túi mù của chị Thiên Thu ở Bình Dương, trưa 10/10. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, trường Đại học Văn Lang TP HCM, cho rằng tâm lý tò mò, hiếu kỳ cùng sự thúc đẩy của truyền thông đã tạo ra cơn sốt "túi mù" ở giới trẻ.

Đầu tiên, món đồ chơi kích thích trí tò mò và buộc họ phải phỏng đoán đoán món đồ bên trong. Khách hàng không biết được mình sẽ sở hữu gì cho đến khi xuống tiền mua. Hình thức này phù hợp với tâm lý của Gen Z - nhóm khách hàng luôn đón chờ trải nghiệm cái mới.

Ông Tú nói "túi mù" chủ yếu được quảng bá qua các phiên livestream của người nổi tiếng (ca sĩ, diễn viên, KOL, TikToker), sàn thương mại điện tử và video ngắn, tạo ra sự nhận diện xu hướng rộng. Đồng thời, người sản xuất túi mù cũng đang tận dụng sức hút của Labubu. Ở Việt Nam, dữ liệu từ Metric - nền tảng thống kê thương mại điện tử - cho biết, vào quý II, các mặt hàng liên quan Labubu (chính hãng, xách tay) mang về gần 5,2 tỷ đồng trên Shopee, Lazada, Tiktok Shop. Mức này tăng 665% so với quý đầu năm.

Chuyên gia cho rằng trào lưu trên phản ánh giới trẻ đang chú trọng vào những sản phẩm chăm sóc cảm xúc của mình, tạo cảm giác thư giãn, giải trí. Tuy nhiên, ông dự đoán túi mù cũng sẽ như cơn sốt Capybara (chuột lang) trước đó, chỉ kéo dài vài tháng.

Đức Tiến nói ban đầu gia đình anh cũng ngạc nhiên khi thấy chàng trai 29 tuổi mang hàng chục túi mù chứa đồ chơi trẻ em về nhà bóc. Anh cho rằng sau 8 tiếng ở văn phòng, sở thích bóc túi mù mang đến cảm giác thoải mái đồng thời giải tỏa căng thẳng và áp lực.

"Nó cũng không quá đắt đỏ, 5 túi mù chỉ bằng ly cà phê ngồi với bạn bè", anh nói.

Trong khi đó, Thiên Thu từ người chơi đã chuyển sang bán túi mù, chủ yếu chia sẻ kinh nghiệm với những người cùng sở thích.

Ngọc Ngân