TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam chủ trì tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có GS.TSKH Nguyễn Văn Liên - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch VFCEA; cùng đại diện các viện, phòng ban chuyên môn và các chuyên gia nhà khoa học của Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Về phía cơ quan quản lý nhà nước đồng thời là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Quản lý phát triển đô thị có TS.KTS Trần Quốc Thái – Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), cùng lãnh đạo, chuyên viên Cục Phát triển Đô thị.

Tọa đàm góp ý cho dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị cũng được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối với các hội xây dựng ở các địa phương và hội viên tập thể của Tổng hội Xây dựng Việt Nam ở khắp cả nước.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam bày tỏ niềm vui khi tọa đàm có sự tham dự trực tiếp của lãnh đạo Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), điều này cho thấy sự cầu thị, tinh thần lắng nghe của cơ quan soạn thảo Luật Quản lý phát triển đô thị.

TS. Đặng Việt Dũng nhận định, thực tế quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị đặt ra nhiều yêu cầu, trong đó có yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật về quản lý phát triển đô thị. Tuy nhiên, Luật Quản lý phát triển đô thị là luật mới rất khó và có phạm vi rộng, do đó người đứng đầu Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề nghị các chuyên gia nhà khoa học của Tổng hội phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực góp ý để Ban soạn thảo Luật Quản lý phát triển đô thị tiếp tục hoàn thiện trước khi trình cấp cơ thẩm quyền.

Tọa đàm thu hút đông đảo lãnh đạo, chuyên gia của Tổng hội Xây dựng Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến.

TS.KTS Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cảm ơn lãnh đạo Tổng hội Xây dựng Việt Nam với sáng kiến tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học góp ý cho dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị. TS.KTS Trần Quốc Thái khẳng định, các ý kiến góp ý của chuyên gia, nhà khoa học sẽ được ghi chép đầy đủ trên cơ sở đó tổng hợp để bổ sung vào dự thảo luật.

TS.KTS Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) phát biểu tại tọa đàm.

Tại tọa đàm TS.KTS Trần Quốc Thái cũng cho biết, ngày 8/6/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và thông qua đề nghị xây dựng Luật QLPTĐT.

Mở đầu phiên tọa đàm, GS.TSKH Nguyễn Văn Liên - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch VFCEA nêu quan điểm cho rằng nên đổi tên Luật Quản lý phát triển đô thị thành Luật Đô thị và Phát triển đô thị. Theo GS.TSKH Nguyễn Văn Liên khi đưa ra luật có nghĩa là để quản lý vì thế không nên đưa chữ “Quản lý” vào tên luật.

Bên cạnh đó, theo GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, dự thảo luật cần đưa ra quan điểm, mục tiêu rõ ràng. Trong đó mục tiêu là xã hội hóa vấn đề đô thị, quản lý đô thị, hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu và người dân.

GS.TSKH Nguyễn Văn Liên - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

TS. Nguyễn Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn đề xuất các nội hàm mang trính quản lý nhà nước như trách nhiệm và quyền hạn của các đối tượng áp dụng. Đồng thời, làm rõ nội hàm của các chỉ tiêu về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị.

TS Nguyễn Hồng Hạnh cũng đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung nguồn tài chính để nghiên cứu và lập chương trình phát triển đô thị thuộc nguồn đầu tư công, để việc tổ chức lập chương trình phát triển đô thị đến tổ chức triển khai thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư theo các giai đoạn ngắn hạn và dài hạn của chương trình được xuyên suốt theo nguồn lực tài chính của ngân sách.

Trong khi đó, TS. Lê Văn Cư - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, cơ quan soạn thảo nên khu biệt nội dung, không nên đưa quá nhiều nội dung quản lý vào Luật. Đồng thời, cần làm rõ đối tượng điều chỉnh của luật.

TS. Lê Văn Cư phát biểu.

TS. Lê Văn Cư nêu quan điểm, Luật Quản lý phát triển đô thị bản chất là quản lý dự án đầu tư phát triển đô thị. Vì thế, chủ thể chính cần phải quản lý là các dự án đầu tư phát triển đô thị trong tương lai. Do đó, cần phải đưa vào quản lý các yếu tố hạ tầng kĩ thuật đô thị, không nên dàn trải nhiều nội dung. Theo TS. Lê Văn Cư cần đưa vào quản lý đối tượng doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư phát triển khu đô thị tại Việt Nam. Bên cạnh đó tránh dùng cụm từ chung chung, mà cần cụ thể chi tiết những vấn đề trong dự thảo luật.

PGS-TS. Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng trình bày ý kiến.

Trong khi đó, PGS-TS. Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) cho rằng, Ban soạn thảo Luật Quản lý phát triển đô thị cần làm nổi lên hai vế của Luật là “quản lý” và “phát triển đô thị”. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần làm rõ các khái niệm về các đô thị đặc thù như: Đô thị di sản, đô thị biển, đô thị núi, đô thị sinh thái…

Tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia góp ý hoàn thành dự thảo Luật về xây dựng cấu trúc; tránh trùng lặp về nội hàm. Cải tạo chỉnh trang phát triển đô thị gắn kết với Luật Đất đai; Xây dựng tiêu chí đô thị xanh, thông minh để có cơ sở chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện; Quan tâm phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, cá thể hoá trách nhiệm quản lý đô thị; Tập trung vào chính sách cụ thể để địa phương quản lý phát triển đô thị…

Trân trọng và tiếp thu các ý kiến góp ý dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị của các chuyên gia Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS.KTS Trần Quốc Thái – Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) mong tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học của Tổng hội trong việc xây dựng tiêu chí đô thị, các chính sách cụ thể để quản lý phát triển đô thị… Trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại tọa đàm, cơ quan soạn thảo sẽ rà soát bổ sung vào dự thảo luật.

Phát biểu kết luận tọa đàm, TS. Đặng Việt Dũng đánh giá cao các ý kiến góp ý tại tọa đàm và hi vọng cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, chắt lọc các ý kiến để sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật.

TS Đặng Việt Dũng cũng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học của Tổng hội tiếp tục góp ý bằng văn bản để Tổng hội tập hợp gửi đến Ban soạn thảo Luật nhằm hưởng đến xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

 

Hoàng Lực