TS Đặng Việt Dũng – Chủ tịch THXDVN dẫn đầu đoàn công tác, cùng với các đồng chí Lê Văn Cư (Trưởng ban Kiểm tra), Vũ Thành Nghiêu (Chánh văn phòng), Hoàng Chiến Thắng (TBT Tạp chí Người Xây dựng).
Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: Chủ trương của tỉnh là luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Hội Xây dựng Hải Dương được tỉnh hỗ trợ trụ sở làm việc, hỗ trợ một phần kinh phí và nhiều chương trình khoa học khác. Hội trở thành một phần không thể thiếu trong cộng đồng khoa học của tỉnh, đặc biệt ở các lĩnh vực cốt lõi là xây dựng – quy hoạch.
Đoàn công tác làm việc tại Hội Xây dựng tỉnh Hải Dương
Hội Xây dựng Hải Dương trở thành nơi tập hợp, quy tự nhiều nhà khoa học cũng như cộng đồng doanh nghiệp xây dựng của tỉnh. Hải Dương là một trong những địa phương có tốc độ phát triển đô thị rất nhanh. Đến hết năm 2023, tỉnh Hải Dương có 16 đô thị gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 13 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 40,7%. Theo quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Hải Dương sẽ có 28 đô thị gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 7 đô thị loại IV và 18 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%.
Tốc độ phát triển đô thị lớn, đòi hỏi các vấn đề về khoa học kỹ thuật xây dựng, quy hoạch cũng phải nhanh chóng bắt kịp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Hóa, Chủ tịch Hội Xây dựng Hải Dương, vài năm gần đây hoạt động Hội gặp khá nhiều khó khăn. Đầu tiên là việc bộ máy làm việc của Hội phải căng mình để bắt kịp các thay đổi về chính sách, cũng như kịp thời cập nhật các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong ngành. Bản thân các cán bộ Hội, hội viên vẫn phải đảm nhận các công việc riêng trong bộ máy chính quyền hoặc doanh nghiệp xây dựng.
Hội Xây dựng Hải Dương cũng đã báo cáo với lãnh đạo Tổng hội Xây dựng Việt Nam kế hoạch tổ chức Đại hội nhiệm kỳ mới.
TS Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thay mặt đoàn công tác thông báo về các chương trình chung của Tổng hội, cũng như những điểm sáng hoạt động của các hội chuyên ngành, hội địa phương trong cả nước. Tổng hội đánh giá cao các hoạt động khoa học hiệu quả và nhiệt tình của Hội Xây dựng Hải Dương, đồng thời đề nghị Hội gấp rút hoàn thành các thủ tục với tỉnh để tổ chức Đại hội nhiệm kỳ mới.
Bên cạnh đó là thảo luận về các chương trình tư vấn phản biện, phối hợp trong công tác đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng, chứng chỉ hoạt động năng lực cho doanh nghiệp xây dựng…
Tại Đại học Thành Đông, tiếp đón đoàn công tác là PGS.TS Lê Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng, Hiệu trưởng nhà trường cùng lãnh đạo các khoa, bộ phận chuyên môn.
Trường Đại học Thành Đông (TDU) là cơ sở giáo dục Đại học đi đầu trong việc đào tạo theo định hướng ứng dụng.
TS Đặng Việt Dũng tặng PGS.TS Lê Văn Hùng cuốn sách “Hành trình 40 năm Tổng hội Xây dựng Việt Nam”
Đại học ứng dụng đào tạo đội ngũ nhân lực chủ yếu theo hướng thực hành, nghiên cứu khoa học và công nghệ, tập trung vào việc phát triển các kết quả nghiên cứu cơ bản, ứng dụng các lý thuyết thành các giải pháp, ứng dụng. Tọa lạc trên diện tích 18 hecta tại trung tâm thành phố Hải Dương, cái nôi sản sinh nhiều nhân tài cho đất nước.
Trường Đại học Thành Đông được thành lập từ năm 2009 là trường Đại học đầu tiên của tỉnh Hải Dương, trải qua 15 năm hình thành và phát triển, đến nay Nhà trường đã có 25 mã ngành Đại học, 6 mã ngành Thạc sĩ và đang hoàn thiện chương trình mở các ngành Tiến sĩ.
PGS.TS Lê Văn Hùng cho biết: Trường Đại học Thành Đông đào tạo theo định hướng ứng dụng, vậy nên, một trong những yêu cầu cấp thiết là phải cập nhật công nghệ, tiến bộ về khoa học kỹ thuật vào giảng dạy. Với các ngành thiên về ứng dụng như kỹ thuật xây dựng, nhà trường cũng đã nhanh chóng mời đội ngũ chuyên gia giỏi về giảng dạy, đồng thời, áp dụng nhanh chóng các đổi mới theo kịp theo xu hướng 4.0
TS Đặng Việt Dũng cho rằng: Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Trường Đại học Thành Đông có rất nhiều tiềm năng để hợp tác, phát triển. Đầu tiên là việc nhà trường cần lên kế hoạch gửi các đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên tham gia Giải thưởng Loa Thành. Bên cạnh đó là công tác phối hợp đào tạo ứng dụng, kết nạp sinh viên tốt nghiệp thành hội viên Tổng hội, để định hướng, tạo cơ hội phát triển bền vững về sau…
Hai bên cũng thống nhất sẽ ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác lâu dài trong nhiều lĩnh vực.
Nguồn: Tổng hội xây dựng Việt Nam