Là một nhà tâm lý học 30 năm kinh nghiệm trong dịch vụ tư vấn cho cặp đôi và gia đình ở Mỹ, tiến sĩ Jeffey Bernstein, làm việc với nhiều đôi trải qua khủng hoảng ly hôn sau đó quay lại với nhau.

Ông cho rằng ly hôn có thể mang đến cảm giác cuối cùng, như cánh cửa đóng lại, nhưng đôi khi mở ra không gian để suy ngẫm, phát triển, thậm chí hòa giải.

Việc chia tay còn thôi thúc các đôi bước vào một giai đoạn mới hạnh phúc hơn, nhận thức rõ hơn và có chủ đích hơn trong mối quan hệ.

Tiến sĩ Jeffrey Bernstein rút ra bốn bài học từ các đôi tái hợp sau ly hôn, cùng lời khuyên cho ai muốn hàn gắn tình yêu sau khó khăn và tổn thương.

Ly hôn cho thời gian để phát triển bản thân

Nhiều đôi quay lại với nhau vì nhận ra phát triển cá nhân là yếu tố chính trong quá trình tái hợp. Khi kết hôn lần đầu, những vấn đề như giao tiếp kém, chấn thương chưa được giải quyết hoặc xung đột khiến họ xa nhau. Phải đến sau ly hôn, khi buộc phải đối mặt với thiếu sót của mình, họ mới có thể tự chữa lành.

Ví dụ, có những trường hợp người vợ thấy mình bị chồng bỏ rơi, trong khi người đàn ông quá bận rộn với công việc. Họ ly hôn bởi những oán giận và thất vọng. Nhưng sau vài năm xa nhau, cả hai cùng dành thời gian hoàn thiện bản thân. Người phụ nữ học cách giao tiếp tốt hơn, biết nói ra nhu cầu của mình. Người chồng nhận ra công việc chi phối cuộc sống đến mức bỏ bê gia đình. Cả hai chọn cách làm hòa, nhưng chỉ sau khi nhận ra sai lầm của mình.

Ảnh: polkadotbride.com

Ảnh: polkadotbride.com

Giải tỏa hận thù để hồi sinh tình yêu

Sự tha thứ không dễ nhưng cần thiết. Một trong những thách thức quan trọng nhất đối với các đôi hòa giải sau ly hôn là buông bỏ nỗi đau cũ. Những hận thù và xung đột chưa được giải quyết từ quá khứ có thể đầu độc những nỗ lực bắt đầu lại.

Học cách tha thứ cho đối tác và cho chính mình có thể tạo không gian cho tình yêu trở lại.

Tiến sĩ Bernstein từng tiếp một đôi hàng tuần trong thời gian ly thân. Cuộc hôn nhân của họ lung lay do những cãi vã và áp lực tài chính. Người chồng không thể tha thứ cho vợ vì chi tiêu quá mức. Cô vợ tức giận vì bị kiểm soát tiền bạc. Sau ly hôn, cả hai bắt đầu giải quyết các vấn đề với nhà trị liệu. Khi quyết định cho cuộc hôn nhân cơ hội thứ hai, họ không chỉ bỏ qua quá khứ mà còn giải quyết nó.

Chuyên gia cho rằng tha thứ không có nghĩa là quên đi, mà là cam kết tiến về phía trước, không khơi lại vết thương cũ. Hãy dùng thời gian xa nhau để giải quyết quá khứ, bước vào chương mới tốt đẹp hơn.

Xây dựng mối quan hệ mới trên nền tảng cũ

Quay lại với nhau không có nghĩa bạn khôi phục lại mối quan hệ đã có mà xây dựng cái mới khi nhận ra giá trị của những thứ đã qua. Các đôi tái hợp thành công thường tạo một mối quan hệ hoàn hảo dựa trên những bài học rút ra từ cuộc hôn nhân đầu tiên.

Tiến sĩ Bernstein cho biết, có những đôi ly hôn nhưng quay lại sau khi đã hẹn hò với người khác. Khi tái hôn, họ tiếp cận với mối quan hệ của mình bằng sự tò mò, phấn khích, tập trung vào con người đã trưởng thành, thay vì con người họ từng có.

Chuyên gia khuyên không nên cố tái tạo quá khứ, mà nên hàn gắn, chấp nhận cả hai thay đổi. Mối quan hệ mới phải phản ánh con người hiện tại của bạn, không phải con người trước đây.

Giao tiếp là chìa khóa

Tất cả các đôi đều biết giao tiếp là cần thiết, nhưng khác biệt khiến các đôi tái hợp là dám nói ra những khó khăn, những điều đã sai, điều cần làm và điều cần tiếp tục. Sự minh bạch cho phép các đôi xây dựng lại lòng tin, nuôi dưỡng sự thân mật.

Chuyên gia khuyên nên giao tiếp can đảm, nói rõ hy vọng và lo lắng của bạn. Nên tạo không gian an toàn để cả hai có thể bày tỏ mà không phán xét. Hãy rõ ràng, thông cảm và cởi mở để lắng nghe những điều khiến bạn thấy khó chịu.

Nhật Minh (Theo Psychology Today)