Miền Bắc sắp đón hai đợt không khí lạnh

10:53 - 07/11/2024

Hai ngày nay miền Bắc có mưa, chấm dứt hanh khô. Riêng Tây Bắc, Việt Bắc mưa lớn do tác động của hội tụ gió trên mực 1.500-3.000 m. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ nay đến mai, hội tụ gió suy yếu, miền Bắc giảm mưa. Sau đó miền Bắc sẽ đón hai đợt không khí lạnh. Đợt thứ nhất từ ngày 19/10, nhưng lệch nhiều ra Biển Đông nên chỉ gây mưa rào, giông ở vùng núi, nhiệt độ giảm không đáng kể. Đợt thứ hai ngày 22-23/10, không khí lạnh tăng cường mạnh hơn gây mưa giông, trời chuyển lạnh về đêm và sáng. Một góc Sa Pa, tỉnh Lào Cai trong tiết trời tháng 10. Ảnh: Gia Chính Trang Accuweather của Mỹ dự báo nhiệt độ ban ngày ở Hà Nội giảm dần từ 32 còn 29, ban đêm thấp nhất 21 độ C. Điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Sa Pa (Lào Cai) thấp nhất đợt xuống 14 độ, ban ngày 20 độ C. Các tỉnh Thanh Hóa - Hà Tĩnh do ảnh hưởng của không khí lạnh lệch đông nên trời mưa giông, cục bộ có nơi mưa lớn trong ngày 19-20/10. Sau 22/10, khi không khí lạnh tăng cường, mưa gia tăng và mở rộng ra khu vực Quảng Bình - Quảng Ngãi. Nam Bộ và Tây Nguyên chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp xích đạo có trục khoảng 9-11 độ vĩ bắc nên những ngày tới trời mưa giông, tập trung về chiều tối. Nhiệt độ Nam Bộ phổ biến 32-34, Tây Nguyên 28-31 độ C. Cơ quan khí tượng dự báo không khí lạnh hoạt động mạnh từ tháng 12/2024 đến tháng 1/2025, gây ra các đợt rét đậm, rét hại.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Phát huy đại đoàn kết dân tộc, đưa đất nước vào kỷ nguyên mới

10:53 - 07/11/2024

Sáng 17/10, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 10 nhiệm kỳ 2024-2029 khai mạc tại Hà Nội. Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá 94 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định sứ mệnh phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khích lệ nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phương thức đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân thông qua Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được tổ chức sáng tạo, hiệu quả. Không chỉ triển khai thành công các chương trình lớn như Đề án vận động làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát, Mặt trận Tổ quốc còn thể hiện vai trò quan trọng trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Khi đại dịch Covid-19 và bão lũ ập đến, Mặt trận đã kịp thời phát động các phong trào quyên góp, vận động nhân dân trong và ngoài nước cùng chung tay phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, giúp đỡ người dân sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, công tác giám sát, phản biện xã hội cũng được Mặt trận đặc biệt chú trọng. Việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xứng đáng với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tổ chức nòng cốt phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; cầu nối quan trọng của Đảng, chính quyền với nhân dân; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, nhân dân. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số hạn chế như phương thức vận động, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc chưa đáp ứng yêu cầu trước thay đổi nhanh chóng của thực tiễn. Nhiều nguồn lực trong nhân dân chưa được phát huy hiệu quả. Các cuộc vận động, phong trào thi đua một số nơi hiệu quả chưa cao. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. "Với thế và lực tích lũy được sau 40 năm đổi mới đất nước, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sáng 17/10. Ảnh: Quang Vinh Ông chỉ ra nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, ý chí tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và ưu tiên hàng đầu là củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. "Thực tiễn lịch sử cho thấy khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nên sức mạnh to lớn và là cội nguồn mọi thành công của cách mạng Việt Nam. Càng trong khó khăn, thách thức, đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng càng lớn lao, càng cần phải đoàn kết chặt chẽ, rộng rãi, vững chắc; chỉ có đoàn kết mới có thắng lợi", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc có thể tạo thành sức mạnh to lớn, trở thành lực lượng vô địch khi được tổ chức chặt chẽ, được giác ngộ sâu sắc về mục tiêu lý tưởng, được định hướng bởi đường lối đúng đắn; phát huy cao nhất khi được tập hợp trong Mặt trận Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước "chỉ có thể thành công khi quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc". Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên khai mạc Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sáng 17/10. Ảnh: Quang Vinh Theo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, giai đoạn hiện nay, Mặt trận cần chủ trì đoàn kết các giai tầng, cá nhân tiêu biểu, phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, khơi dậy tiềm năng to lớn của giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và người lao động. Mặt trận phải là hạt nhân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Mục tiêu cao nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là phục vụ nhân dân, làm cho cuộc sống của nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn. Vì vậy, Mặt trận phải không ngừng chăm lo, bảo vệ lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của mọi công dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến cũ, các vùng chiến lược, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo. Mặt trận cũng tích cực phát hiện, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền, huy động các nguồn lực xã hội để kịp thời hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Mặt trận làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp giữa các tổ chức thành viên trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh; tham gia hiệu quả và động viên nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống lãng phí và tham nhũng, tiêu cực. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cần đổi mới cả nội dung và phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, sâu sát với dân, đồng hành cùng dân, "khi dân cần, Mặt trận có, khi dân khó, Mặt trận sẵn sàng tham gia". Phiên khai mạc Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sáng 17/10. Ảnh: Quang Vinh Đọc diễn văn khai mạc trước đó, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khẳng định "Đại hội bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm". "Nhất định Đảng ta sẽ lãnh đạo đất nước phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến của mọi người dân, tự chủ, tự hào, tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển của dân tộc Việt Nam", ông Chiến nói. Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có chủ đề Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển, với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu tiêu biểu cho các tổ chức thành viên, các giai cấp, giai tầng xã hội, nhân sĩ trí thức, các dân tộc, các tôn giáo, lực lượng vũ trang, người Việt Nam ở nước ngoài. Đại hội sẽ diễn ra trong hai ngày 17-18/10.

Gần 30 năm 'mắc kẹt' với dự án đô thị cao cấp ở TP HCM

10:53 - 07/11/2024

Giữa trưa, căn nhà vách gỗ, lợp tôn cất trên mảnh đất hơn 200 m2 của ông Đặng Văn Sáu, 64 tuổi, ở mặt tiền đường Mai Bá Hương, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, nóng hầm hập. Lô đất thuộc diện giải tỏa để làm dự án khu đô thị Sing - Việt nên ngôi nhà gần 70 m2 của ông không thể xây kiên cố mà chỉ dựng tạm bợ, sửa chắp vá gần 30 năm qua, ảnh hưởng 5 thành viên trong gia đình. Ông Sáu đứng trong căn nhà xập xệ không thể xây dựng kiên cố do nằm trong dự án. Ảnh: Đình Văn Ông Sáu cho biết, mảnh đất được bố mẹ để lại. Năm 1997, nơi này nằm trong dự án khu đô thị nhưng hiện chưa triển khai, đẩy gia đình ông vào tình cảnh không thể di dời, cũng không thể xây nhà cửa. Năm 2018, chủ đầu tư đưa ra mức bồi thường 139,7 triệu đồng cho khu đất của ông. Cho rằng giá quá thấp với vị trí mặt tiền đường, ông nhiều lần khiếu nại nhưng không có kết quả. Theo ông Sáu, nếu nhận bồi thường thì cả nhà ông sẽ rơi vào cảnh đang có nhà phải đi ở trọ vì khoản tiền trên không đủ để tìm nơi sống mới. Hàng ngày ông đi phụ hồ còn vợ đi làm thuê cho quán ăn nên không có tiền tích lũy. "Suốt mấy chục năm qua, gia đình tôi ở nhà tạm bợ, không xây cất được, giờ bồi thường quá thấp khó tìm nơi ở mới", ông Sáu nói. Cũng có nhà hơn 60 m2 vướng dự án này, bà Huỳnh Thị Bé, 71 tuổi, cùng 4 người thân phải sống trong cảnh khó khăn. Căn nhà cấp bốn mua bằng giấy tay từ năm 1999 vẫn nguyên hiện trạng do thuộc diện giải tỏa. Trong nhà ẩm thấp, trời mưa bị dột nhưng chỉ sửa tạm thời. Mỗi khi làm bà mất nhiều thời gian xin phép địa phương nhưng chỉ được gia cố mái tôn, vách gỗ. Nhiều năm trước, khi nhận được quyết định bồi thường khoảng 70 triệu đồng để di dời, bà cảm thấy hụt hẫng vì mức này "không đủ để làm gì". Thời điểm đó, nhiều hộ gần nhà bà cũng được bồi thường tương tự, một số đã đồng ý di dời nhưng đến nay sau 6 năm chưa nhận được tiền. Để thoát cảnh sống tạm bợ, bà Bé mong muốn địa phương sớm xác định lại thời gian triển khai dự án. Việc này để tính toán giá bồi thường phù hợp cho người dân có kinh phí di dời hoặc sắp xếp nơi tái định cư. Bà Huỳnh Thị Bé đứng bên ngôi nhà mặt tiền đường Mai Bá Hưởng đã xuống cấp nhưng không thể xây dựng kiến cố do vướng quy hoạch dự án khu đô thị. Ảnh: Đình Văn Gia đình ông Sáu và bà Bé nằm trong gần 700 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị Sing - Việt. Hiện 366 hộ đã bàn giao mặt bằng, số còn lại còn vướng thủ tục, mức bồi thường. Triển khai từ năm 1997, Sing - Việt được định hình là khu đô thị cao cấp rộng hơn 331 ha, có trường đua ngựa, sân golf, trường học, công viên, căn hộ, biệt thự cho 60.000 dân với vốn đầu tư 300 triệu USD. Tuy nhiên đến nay dự án chỉ là những bãi đất hoang xen kẽ hàng trăm ngôi nhà xập xệ. Ngoài vướng mắc thủ tục, giá đền bù, dự án thêm khó khăn khi liên quan vụ án bà Trương Mỹ Lan. Kết quả điều tra của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an), chủ đầu tư ban đầu của dự án là Công ty TNHH Đô thị Sing Việt thuộc sở hữu Công ty Amaland Pte. Ltd tại Singapore. Tuy nhiên, bà Trương Mỹ Lan được xác định đã mua lại 100% cổ phần của công ty này, song chưa được sang tên. Đến nay, vướng mắc pháp lý liên quan việc chuyển nhượng cổ phần của các công ty đầu tư dự án chưa được các cơ quan tố tụng Việt Nam và Singapore giải quyết. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Bình Chánh của Đoàn đại biểu Quốc hội hôm 1/10, nhiều hộ dân ảnh hưởng bởi dự án nêu ý kiến khi không thể kinh doanh, sửa nhà cửa trên đất của mình. Hạ tầng khu vực xuống cấp cũng không được đầu tư khiến họ gặp nhiều khó khăn. Vấn đề này người dân và đại biểu Quốc hội đã phản ánh gần 10 năm qua nhưng chưa được xử lý. Ông Trần Ngọc Vũ, Phó ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh, cho biết công trình khu đô thị Sing - Việt chậm triển khai do khúc mắc bồi thường, tái định cư từ lâu nay lại vướng vào vụ án của bà Trương Mỹ Lan khiến người dân như mắc kẹt trong dự án hàng chục năm qua. Huyện đã trao đổi với lãnh đạo xã hướng dẫn người dân nâng nền, mái, sửa chữa nhà để sinh hoạt tạm thời trong thời gian chờ dự án tái khởi động. Về phản ánh giá bồi thường thấp, theo ông Vũ, hơn 120 hộ dân sống dọc đường Mai Bá Hương sử dụng đất nông trường thuộc nhà nước quản lý từ hàng chục năm trước, nên không có giấy tờ chứng nhận đất. Địa phương đã gửi văn bản kiến nghị thành phố xem xét từng trường hợp, tính thời điểm xây dựng tạo lập nhà ở để có phương án hỗ trợ mới, đảm bảo lợi ích người dân. Ngoài ra, thành phố sẽ yêu cầu chủ đầu tư thực hiện chính sách hoán đổi phần đất bị thu hồi với đất ở khu tái định cư của dự án theo giá không kinh doanh. "Việc này sẽ tạo thuận lợi cho người dân bị ảnh hưởng sớm an cư lạc nghiệp", ông Vũ nói. Đình Văn