Giữa tháng 10, cánh đồng ngập nước giáp ranh phường Hương Toàn của thị xã Hương Trà với phường Hương Vinh, phường Hương Sơ của TP Huế trở thành nơi dừng chân của những đàn cò di cư. Hàng nghìn con bay lượn kiếm ăn và tránh trú tại các rặng tre bao quanh cánh đồng.

Trận địa bắt cò ở cánh đồng giáp ranh phường Hương Sơ và Hương Vinh. Ảnh: Võ Thạnh

Trận địa bắt cò ở cánh đồng giáp ranh phường Hương Sơ và Hương Vinh. Ảnh: Võ Thạnh

Một số người dân đã thiết lập trận địa cò giả trên cánh đồng để bắt cò thật. Hàng chục con cò giả bằng xốp được sắp xếp trên mặt nước, xung quanh là những chiếc bẫy sắt giấu kín. Khi những con cò đáp xuống, chúng lập tức bị kẹp chặt vào bẫy và tiếp tục trở thành mồi nhử dụ đàn cò khác sà xuống kiếm ăn.

Người dân thường dùng thuyền đi thăm bẫy vào buổi trưa hoặc chiều muộn. Cò bắt được bị làm thịt rồi mang đi bán dạo ven đường với giá 40.000-60.000 đồng một con, tùy kích thước.

Một người tháo gỡ cò bị dính bẫy. Ảnh: Võ Thạnh

Một người tháo gỡ những con cò đã bị dính bẫy. Ảnh: Võ Thạnh

Một người dân từng hành nghề bẫy cò cho biết cao điểm săn bắt là từ tháng 8 đến cuối năm khi mùa mưa đến. Xung quanh rừng ngập mặn Rú Chá ở xã Hương Phong là cánh đồng nên được cò tìm đến trú ngụ nhiều nhất.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, cho hay tình trạng người dân giăng bẫy săn bắt cò, chim trời vào mùa mưa đã xảy ra nhiều năm. Để ngăn chặn, kiểm lâm phối hợp với các xã phường tiêu hủy dụng cụ của những người giăng bẫy.

"Ngay khi nhận được thông tin về vị trí đặt bẫy cò, chúng tôi sẽ phối hợp với công an và chính quyền địa phương để tháo dỡ", ông Tuấn nói, cho biết địa bàn rộng, kiểm lâm còn mỏng nên vẫn chưa xử lý hết vấn nạn săn bắt cò.

Giăng trận địa bắt cò di cư
 
 

Trận địa giăng bẫy bắt cò di cư trên cánh đồng. Video: Võ Thạnh

Võ Thạnh