Sau 10 tiếng được cứu chữa ở Bệnh viện Đà Nẵng, chiều 15/10, anh Đặng Huy Hùng, 31 tuổi, đã tỉnh táo, cười tươi khi bố và bạn gái vào thăm. Hiện anh tiếp tục được truyền nước để ổn định điện giải, làm các xét nghiệm và có thể xuất viện vào ngày mai.

Lời kể của cần thủ sống sót sau 32 giờ trôi dạt trên biển
 
 

Anh Đặng Huy Hùng kể lại quá trình lênh đênh trên biển. Video: Nguyễn Đông - Văn Phú

Anh Hùng quê Bắc Ninh, là nhân viên một công ty du lịch ở Đà Nẵng. Sau giờ làm buổi chiều, anh có thú vui đi câu giải trí. Cá hay mực câu được, anh đều thả lại biển, không mang về nhà. Ngày 13/10, anh hẹn hai cần thủ lần đầu tiên đi câu mực đêm.

Khoảng 20h, anh Hùng rời nhà ở quận Sơn Trà, nói với bạn gái Lê Thị Diệp, 26 tuổi sẽ về lúc 23h. Ngoài hai bộ cần câu, anh mang theo chiếc balô vải (loại đựng laptop) chứa hai hộp nhựa dài chừng gang tay đựng mồi giả là những con tôm cá màu sắc bằng nhựa, xung quanh gắn móc câu.

Ba cần thủ dựng xe máy trên vỉa hè đường Như Nguyệt rồi ra bờ kè đá của dự án lấn biển khu đô thị Đa Phước ở cửa sông Hàn thả câu. Tranh thủ lúc cá mực chưa cắn câu, anh gọi điện về quê Bắc Ninh nói chuyện với bố mẹ, rủ bạn gái ra ngồi chơi vì gió mát. Do đi làm về mệt nên chị Diệp từ chối.

Khoảng 21h, khi hai bạn câu đã ra về, anh Hùng phát hiện mồi giả mắc vào ghềnh đá nên lội xuống nước gỡ ra. "Đang bước ở mấy tảng đá ngập ngang đầu gối, tôi bị hụt xuống hố sâu, ngã xuống biển", anh Hùng kể.

Một cơn sóng to ập đến kéo anh Hùng xa bờ, đẩy chiếc balô tuột khỏi người. Ghềnh đá cách cầu Thuận Phước khoảng một km, ánh sáng rất yếu nên anh không thể nhìn rõ bờ để bơi vào, chỉ cố gắng bơi lấy balô. Không giỏi bơi, vùng vẫy một lúc, anh đuối sức nên quyết định ôm chặt balô và thả trôi tự do.

Anh Hùng mô tả lại động tác hai tay ghì chặt balo trước bụng, cố ngóc đầu lên khỏi mặt nước để sinh tồn. Ảnh: Nguyễn Đông

Anh Hùng mô tả lại động tác hai tay ghì chặt balo trước bụng, cố ngóc đầu lên khỏi mặt nước để sinh tồn. Ảnh: Nguyễn Đông

Nhờ hai hộp nhựa đựng mồi câu đậy kín nắp, chiếc balô nổi lên trên mặt nước. Anh Hùng nằm sấp, tỳ cằm lên balô, chân đạp nước. "Thấy miếng xốp trôi dạt, tôi vớ lấy, nhét vào áo trước bụng rồi cố nổi lên", anh kể.

Mười năm đi câu, tìm hiểu về kỹ năng sinh tồn, anh Hùng cố gắng không uống nước biển. Đêm xuống, trời đổ mưa lớn, anh ngửa cổ tranh thủ uống nước mưa dù cơ thể dần lạnh đi, bụng đói cồn cào. Anh cũng cố nhìn xem có tàu thuyền qua lại để cầu cứu, nhưng trước mắt chỉ là màn đêm đen kịt.

Suốt nhiều giờ, anh Hùng chỉ biết thả lỏng người nổi theo dòng nước, chân tay tê cứng. Đến sáng ngày thứ hai, trời không nắng, anh đói, mệt rồi rơi vào hôn mê. Trong khi đó không thấy anh về nhà, bạn gái đi tìm, thấy xe máy bỏ trên vỉa hè nên đã báo lực lượng cứu hộ đi dọc bờ kè và chạy cano tìm kiếm.

Anh Hùng khi dạt vào gần bờ, do bị sóng đánh mạnh nên lơ mơ tỉnh, uống phải vài ngụm nước biển rồi lại thiếp đi. 5h ngày 15/10, anh được một người đàn ông đi dạo trên bờ biển đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê nhìn thấy, kéo vào bờ. Lúc này, hai tay anh vẫn ghì chặt chiếc balô như ôm phao cứu sinh.

Chị Diệp, bạn gái anh Hùng sau một đêm mất liên lạc đã báo tin cho cơ quan chức năng và một số đội nhóm tình nguyện hỗ trợ tìm kiếm người yêu. Ảnh: Nguyễn Đông

Bạn gái đến thăm anh Hùng ở bệnh viện. Ảnh: Nguyễn Đông

Nhiều người nghĩ anh đã chết do toàn thân tê cứng, lấm lem cát nên gọi điện báo cho chị Diệp đến nhận dạng và chuẩn bị tấm chiếu phủ lên. Bất ngờ phát hiện ngón tay út của anh khẽ động đậy, người dân lập tức hô hấp nhân tạo, đốt lửa sưởi ấm, dùng chăn mỏng đắp cho anh và gọi xe cứu thương.

"Một lát sau tôi mới dần lấy lại ý thức, biết mình được cứu. Mở mắt ra, người đầu tiên tôi thấy là bố mình. Biết bố rất lo lắng hai ngày qua, tôi chỉ biết nói lời xin lỗi", anh Hùng nói. Chị Diệp vào thăm anh, mắng yêu "từ nay không cho anh đi câu nữa".

Vị trí anh Hùng được tìm thấy nếu tính theo đường bộ cách nơi bị nạn khoảng 4 km, nhưng anh không biết mình đã trôi dạt bao xa trên biển trong suốt 32 giờ cho tới khi bị sóng đánh dạt vào bờ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Hà Sơn Bình, trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc - bệnh viện Đà Nẵng, cho hay anh Hùng nhập viện trong tình trạng lơ mơ, hạ đường máu, rối loạn điện giải. Bệnh nhân đã được truyền đường máu, cho thở oxy, ủ ấm và ổn định điện giải. Qua kiểm tra vi khuẩn phổi, anh đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe hồi phục tốt.

Bác sĩ Hà Sơn Bình chúc mừng anh Hùng đã qua cơn nguy kịch. Ảnh: Nguyễn Đông

Bác sĩ Hà Sơn Bình chúc mừng anh Hùng đã qua cơn nguy kịch. Ảnh: Nguyễn Đông

Theo bác sĩ Bình, quá trình lênh đênh trên biển, may mắn trời không nắng nóng nên bệnh nhân không bị tổn thương da; do có kỹ năng sinh tồn nên tận dụng trời mưa để uống nước và hạn chế tối đa uống nước biển. Bệnh nhân cũng được người dân và lực lượng 115 sơ cấp cứu kịp thời.

"Khi cộng đồng phát hiện trường hợp đuối nước, trôi dạt trên biển cần xem xét tình trạng kỹ hơn để kịp thời hỗ trợ y tế. Như anh Hùng may mắn được một người dân nhìn thấy ngón tay út cử động nên đã sơ cứu ngay", bác sĩ Bình nói.

Đây là trường hợp thứ hai Bệnh viện Đà Nẵng điều trị bệnh nhân trôi dạt trên biển. Hồi tháng 3, một ngư dân trôi dạt 28 giờ trên vùng biển Hoàng Sa, nhập viện trong tình trạng bị bỏng da vì cháy nắng, sau khoảng một tuần đã xuất viện. Ngư dân này cũng có kỹ năng sinh tồn khi không uống nước biển, chỉ tranh thủ uống nước mưa và sống sót do được tàu cứu hộ đưa vào bờ.