Giữa trưa, căn nhà vách gỗ, lợp tôn cất trên mảnh đất hơn 200 m2 của ông Đặng Văn Sáu, 64 tuổi, ở mặt tiền đường Mai Bá Hương, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, nóng hầm hập. Lô đất thuộc diện giải tỏa để làm dự án khu đô thị Sing - Việt nên ngôi nhà gần 70 m2 của ông không thể xây kiên cố mà chỉ dựng tạm bợ, sửa chắp vá gần 30 năm qua, ảnh hưởng 5 thành viên trong gia đình.

Ông Sáu đứng trong căn nhà xập xệ suốt hàng chục năm không thể xây dựng kiên cố do nằm trong dự án. Ảnh: Đình Văn

Ông Sáu đứng trong căn nhà xập xệ không thể xây dựng kiên cố do nằm trong dự án. Ảnh: Đình Văn

Ông Sáu cho biết, mảnh đất được bố mẹ để lại. Năm 1997, nơi này nằm trong dự án khu đô thị nhưng hiện chưa triển khai, đẩy gia đình ông vào tình cảnh không thể di dời, cũng không thể xây nhà cửa. Năm 2018, chủ đầu tư đưa ra mức bồi thường 139,7 triệu đồng cho khu đất của ông. Cho rằng giá quá thấp với vị trí mặt tiền đường, ông nhiều lần khiếu nại nhưng không có kết quả.

Theo ông Sáu, nếu nhận bồi thường thì cả nhà ông sẽ rơi vào cảnh đang có nhà phải đi ở trọ vì khoản tiền trên không đủ để tìm nơi sống mới. Hàng ngày ông đi phụ hồ còn vợ đi làm thuê cho quán ăn nên không có tiền tích lũy. "Suốt mấy chục năm qua, gia đình tôi ở nhà tạm bợ, không xây cất được, giờ bồi thường quá thấp khó tìm nơi ở mới", ông Sáu nói.

Cũng có nhà hơn 60 m2 vướng dự án này, bà Huỳnh Thị Bé, 71 tuổi, cùng 4 người thân phải sống trong cảnh khó khăn. Căn nhà cấp bốn mua bằng giấy tay từ năm 1999 vẫn nguyên hiện trạng do thuộc diện giải tỏa. Trong nhà ẩm thấp, trời mưa bị dột nhưng chỉ sửa tạm thời. Mỗi khi làm bà mất nhiều thời gian xin phép địa phương nhưng chỉ được gia cố mái tôn, vách gỗ.

Nhiều năm trước, khi nhận được quyết định bồi thường khoảng 70 triệu đồng để di dời, bà cảm thấy hụt hẫng vì mức này "không đủ để làm gì". Thời điểm đó, nhiều hộ gần nhà bà cũng được bồi thường tương tự, một số đã đồng ý di dời nhưng đến nay sau 6 năm chưa nhận được tiền.

Để thoát cảnh sống tạm bợ, bà Bé mong muốn địa phương sớm xác định lại thời gian triển khai dự án. Việc này để tính toán giá bồi thường phù hợp cho người dân có kinh phí di dời hoặc sắp xếp nơi tái định cư.

Bà Huỳnh Thị Bé đứng bên ngôi nhà mặt tiền đường Mai Bá Hưởng đã sụp xệ nhưng không thể xây dựng kiến cố do vướng quy hoạch dự án khu đô thị. Ảnh: Đình Văn

Bà Huỳnh Thị Bé đứng bên ngôi nhà mặt tiền đường Mai Bá Hưởng đã xuống cấp nhưng không thể xây dựng kiến cố do vướng quy hoạch dự án khu đô thị. Ảnh: Đình Văn

Gia đình ông Sáu và bà Bé nằm trong gần 700 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị Sing - Việt. Hiện 366 hộ đã bàn giao mặt bằng, số còn lại còn vướng thủ tục, mức bồi thường.

Triển khai từ năm 1997, Sing - Việt được định hình là khu đô thị cao cấp rộng hơn 331 ha, có trường đua ngựa, sân golf, trường học, công viên, căn hộ, biệt thự cho 60.000 dân với vốn đầu tư 300 triệu USD. Tuy nhiên đến nay dự án chỉ là những bãi đất hoang xen kẽ hàng trăm ngôi nhà xập xệ. Ngoài vướng mắc thủ tục, giá đền bù, dự án thêm khó khăn khi liên quan vụ án bà Trương Mỹ Lan.

Kết quả điều tra của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an), chủ đầu tư ban đầu của dự án là Công ty TNHH Đô thị Sing Việt thuộc sở hữu Công ty Amaland Pte. Ltd tại Singapore. Tuy nhiên, bà Trương Mỹ Lan được xác định đã mua lại 100% cổ phần của công ty này, song chưa được sang tên. Đến nay, vướng mắc pháp lý liên quan việc chuyển nhượng cổ phần của các công ty đầu tư dự án chưa được các cơ quan tố tụng Việt Nam và Singapore giải quyết.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Bình Chánh của Đoàn đại biểu Quốc hội hôm 1/10, nhiều hộ dân ảnh hưởng bởi dự án nêu ý kiến khi không thể kinh doanh, sửa nhà cửa trên đất của mình. Hạ tầng khu vực xuống cấp cũng không được đầu tư khiến họ gặp nhiều khó khăn. Vấn đề này người dân và đại biểu Quốc hội đã phản ánh gần 10 năm qua nhưng chưa được xử lý.

Ông Trần Ngọc Vũ, Phó ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh, cho biết công trình khu đô thị Sing - Việt chậm triển khai do khúc mắc bồi thường, tái định cư từ lâu nay lại vướng vào vụ án của bà Trương Mỹ Lan khiến người dân như mắc kẹt trong dự án hàng chục năm qua. Huyện đã trao đổi với lãnh đạo xã hướng dẫn người dân nâng nền, mái, sửa chữa nhà để sinh hoạt tạm thời trong thời gian chờ dự án tái khởi động.

Về phản ánh giá bồi thường thấp, theo ông Vũ, hơn 120 hộ dân sống dọc đường Mai Bá Hương sử dụng đất nông trường thuộc nhà nước quản lý từ hàng chục năm trước, nên không có giấy tờ chứng nhận đất. Địa phương đã gửi văn bản kiến nghị thành phố xem xét từng trường hợp, tính thời điểm xây dựng tạo lập nhà ở để có phương án hỗ trợ mới, đảm bảo lợi ích người dân.

Ngoài ra, thành phố sẽ yêu cầu chủ đầu tư thực hiện chính sách hoán đổi phần đất bị thu hồi với đất ở khu tái định cư của dự án theo giá không kinh doanh. "Việc này sẽ tạo thuận lợi cho người dân bị ảnh hưởng sớm an cư lạc nghiệp", ông Vũ nói.

Đình Văn