Khối u bé Nga có kích thước 1,7 cm, sưng đỏ và hơi bóng. Kết quả MRI ghi nhận u có dạng mô đặc, thâm nhiễm mô mỡ xung quanh, nghi kén bã (dạng u lành tính trong tuyến bã nhờn) hoặc ung thư da nên cần phẫu thuật để giải phẫu bệnh. Sau hai tiếng, bác sĩ lấy được toàn bộ u, khâu thẩm mỹ hạn chế sẹo xấu vùng mặt. Bệnh nhân khỏe, xuất viện trong ngày.

Ngày 17/10, BS.CKI Nguyễn Thanh Sơn Vũ, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết kết quả xét nghiệm hóa mô miễn dịch chuyên sâu ghi nhận bệnh nhân bị viêm cân dạng nốt (Nodular fasciitis), tức khối u mô mềm lành tính gồm các nguyên bào sợi cơ thường xuất hiện ở mô dưới da, cân cơ.

Kết quả chụp MRI khối u trên mặt bé Nga. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Kết quả chụp MRI khối u trên mặt bé Nga. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Vũ cho biết viêm cân dạng nốt là bệnh lý lành tính, ít gặp ở trẻ em. Các khối u thường xuất hiện ở tay và chân, ít ở vùng mặt cổ. U phát triển kích thước nhanh, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của trẻ. Nếu để lâu ngày không điều trị, u có thể bị viêm nhiễm, nhiễm trùng máu, chèn ép các cơ quan khác. Khối u phát triển quá lớn (trên 15 cm) gây cản trở lưu lượng máu. Trường hợp trẻ mắc bệnh lý nền có thể bị đau dữ dội, suy tim, ngất xỉu, đột quỵ, thiếu máu cục bộ, liệt chi.

Bệnh có biểu hiện tương đồng với u sarcoma - loại u ác bắt đầu trong các mô như xương hoặc cơ, việc chẩn đoán sớm và chính xác rất quan trọng để loại trừ bệnh lý ác tính. Theo bác sĩ Vũ, chụp MRI là công cụ chẩn đoán hình ảnh chính xác nhất giúp phát hiện các khối u có dạng mô mềm. Bên cạnh đó, xét nghiệm hóa mô miễn dịch (sử dụng phản ứng miễn dịch để quan sát tế bào ung thư trong mẫu bệnh phẩm) giúp xác định bản chất của tế bào để phát hiện và điều trị sớm.

Bác sĩ Vũ khuyến cáo phụ huynh nếu thấy trẻ xuất hiện khối u trên mặt hay bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, nên đưa bé đi khám để được bác sĩ điều trị kịp thời.

Đình Lâm

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp