Trả lời:

Laser là phương pháp phổ biến giúp cải thiện làn da. Để đạt hiệu quả làm đẹp tốt nhất, chăm sóc da sau điều trị rất quan trọng. Ngay sau khi thực hiện thủ thuật, da trở nên nhạy cảm hơn do các tổn thương trên da được tạo ra chủ động từ laser. Vùng điều trị với laser có xâm lấn như laser Fractional CO2, laser Erbium YAG có thể gây nóng rát, đỏ ửng, phù nề nhẹ, châm chích... Đây là các phản ứng bình thường và tự hết trong vòng vài giờ tới vài ngày. Lúc này, bác sĩ thường chườm lạnh da bằng đá, đắp mặt nạ lạnh, xịt lạnh, thoa các sản phẩm làm dịu da.

Về nhà, nếu vẫn còn tình trạng trên, bạn có thể tiếp tục chườm lạnh để làm dịu da thêm. Tình trạng đau sau chiếu laser thường không đáng kể, nếu đau nhiều có thể sử dụng thuốc giảm đau thông thường không kê đơn. Trường hợp người bệnh điều trị đốt nốt ruồi, u mềm treo (mụn thịt dư), mụn cóc phẳng và các u lành da khác được thoa một lớp thuốc mỡ kháng sinh mỏng hoặc dung dịch sát khuẩn để bảo vệ vết thương tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.

Bác sĩ sử dụng công nghệ laser pico điều trị sạm nám, trẻ hóa da cho một phụ nữ. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ sử dụng công nghệ laser pico điều trị sạm nám, trẻ hóa da cho một phụ nữ. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Trong giai đoạn lành da sau làm đẹp bằng laser, bạn nên hạn chế đưa tay lên mặt, tránh lây nhiễm vi khuẩn vào sang thương. Đồng thời, bạn nên rửa mặt hai lần mỗi ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ. Thoa kem dưỡng ẩm có chứa thành phần làm dịu, phục hồi da như hyaluronic acid, vitamin B5... hằng ngày để da mau hồi phục.

Không nên peel da (tái tạo da bằng hóa chất) trong ít nhất 4 tuần, không sử dụng các sản phẩm như sữa rửa mặt, sữa tắm, kem tẩy tế bào chết... có chứa cồn hoặc có tính tẩy rửa mạnh vì da đang nhạy cảm, dễ kích ứng. Trong vài ngày đầu, bạn cũng hạn chế trang điểm để tránh gây bít tắc lỗ chân lông và kích ứng da. Tùy thuộc vào mục đích điều trị, quá trình phục hồi da thường mất 10-21 ngày. Sau khi da lành, bạn có thể trang điểm bình thường.

Làn da sau một liệu trình làm đẹp bằng laser khá nhạy cảm. Tia cực tím trong ánh nắng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ sạm nám, bỏng rát và làm chậm quá trình phục hồi da. Bạn cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong và sau điều trị khoảng 4-6 tuần. Nếu cần thiết ra ngoài, bạn nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và thoa lại kem mỗi hai giờ, kết hợp che chắn kỹ vùng da đang điều trị bằng mũ, áo chống nắng, khẩu trang...

Tránh sử dụng những thuốc làm tăng nhạy cảm với ánh sáng mà không có chỉ định của bác sĩ như kháng sinh, kháng histamin, kháng sốt rét, một số thuốc ung thư, tim mạch, tiểu đường, thuốc giảm đau NSAID.

Một số trường hợp như xóa nám, nốt ruồi, mụn cóc... bằng laser sẽ để lại sang thương lớn. Khi lành da, các sang thương này đóng mài. Bạn nên đợi các mài, vảy này bong ra tự nhiên, không nên bóc, cạy hay cào gãi chúng vì có thể gây nhiễm trùng và dễ để lại sẹo lõm, sẹo lồi, thâm.

Tránh làm chấn thương vùng điều trị laser trong hai ngày đầu tiên, không cạo râu, lông ít nhất 24 giờ sau điều trị laser hoặc cho đến khi vùng này không còn nóng đỏ, sưng, ngứa. Bạn nên tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi quá trình da hồi phục, đồng thời phát hiện và điều trị các biến chứng nếu có.

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thuỳ Trang
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi bệnh da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp