Bệnh nhân đi tiêu phân đen, đau âm ỉ vùng bụng bên phải, bác sĩ một cơ sở y tế tại TP HCM chẩn đoán khối u ung thư đại tràng. Bệnh tình khiến bà ăn uống kém, thiếu máu, cơ thể ngày càng suy mòn và sụt cân. Bà còn bị rối loạn nhịp tim, bác sĩ ngại mổ vì nhiều rủi ro. Cứ xuất viện về nhà khoảng hai tuần, bà lại phải nhập cấp cứu để truyền máu, người yếu dần.

Ngày 15/10, BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu, Phó Khoa Ngoại Tiêu hóa, cho biết bệnh nhân đến viện bày tỏ mong muốn được phẫu thuật robot với hy vọng "có chất lượng cuộc sống tốt hơn, tự chăm sóc bản thân được chứ không làm gánh nặng cho con cái".

Tuy nhiên, mổ cho người bệnh 89 tuổi, ung thư giai đoạn 3 và đang trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng là một thử thách không nhỏ. Bác sĩ đã hội chẩn liên chuyên khoa, chuẩn bị rất kỹ để có thể phẫu thuật, "đáp lại sự kiên cường và tin tưởng của cụ".

Cụ bà được bác sĩ dinh dưỡng phối hợp điều trị suốt 10 ngày trước mổ, chuyên gia vật lý trị liệu hỗ trợ tập luyện để tăng cường hấp thu dinh dưỡng và tổng trạng tốt hơn. Bác sĩ Hữu, người nhiều kinh nghiệm về phẫu thuật robot đại trực tràng với hơn 300 trường hợp, đảm nhận vị trí mổ chính, điều khiển các cánh tay robot bóc tách khối u cho cụ bà. Ê kíp gây mê hồi sức, bác sĩ tim mạch và nội khoa cũng sẵn sàng hỗ trợ trong những tình huống khó nhất.

BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu, Phó Khoa Ngoại Tiêu hóa, điều khiển robot phẫu thuật cho cụ bà. Ảnh: Trần Nhung

BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu, Phó Khoa Ngoại Tiêu hóa, điều khiển robot phẫu thuật cho cụ bà. Ảnh: Trần Nhung

Ca mổ 120 phút đã bóc tách hoàn toàn khối u, lấy được các hạch xung quanh, bảo tồn các mô lành trong ổ bụng người bệnh. Robot phẫu thuật cũng cho phép các bác sĩ tái lập lưu thông đường tiêu hóa ngay trong cuộc mổ, giúp cụ bà đại tiện bằng đường tự nhiên mà không cần phải mở hậu môn nhân tạo ra thành bụng.

Sau mổ, cụ bà hồi phục nhanh chóng, ăn uống ngon miệng hơn vì không còn những cơn đau bụng do tình trạng bán tắc ruột gây ra. Bà cũng không còn đi tiêu phân đen do xuất huyết từ khối u, sinh hoạt gần như bình thường, đi lại vững vàng.

"Các bác sĩ đã cho tôi có được cuộc sống bình thường đáng quý", bà nói.

Cụ bà trở thành là bệnh nhân cao tuổi nhất trong số gần 3.000 trường hợp phẫu thuật robot tại Bệnh viện Bình Dân, kể từ khi triển khai kỹ thuật này từ cuối năm 2016. Mổ robot để điều trị ung thư đại tràng với sự xâm lấn tối thiểu giúp bệnh nhân ít đau, mau hồi phục. Với những bướu nằm vị trí khó, phẫu thuật robot phát huy ưu thế vượt trội, xử lý tổn thương ở mức độ hoàn hảo nhất, thao tác cắt xẻ rất chính xác.

Cụ bà nắm tay cảm ơn bác sĩ trước khi xuất viện. Ảnh: Trần Nhung

Cụ bà nắm tay cảm ơn bác sĩ trước khi xuất viện. Ảnh: Trần Nhung

Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư thường gặp, thường gặp ở tuổi 40-60, xu hướng ngày càng trẻ hoá. Thống kê mới Tổ chức Ung thư toàn cầu GLOBOCAN, ung thư đại trực tràng xếp hàng thứ 4 tại Việt Nam về số mắc mới (hơn 16.800 trường hợp), thứ 5 về số ca tử vong (hơn 8.400 ca). Ở giai đoạn đầu, bệnh không có triệu chứng rõ ràng và thường dễ nhầm với một rối loạn tiêu hóa do stress hay tuổi tác.

Do đo, bác sĩ khuyến cáo người trên 45 tuổi chưa từng nội soi đại tràng nên thực hiện để tầm soát ung thư đại trực tràng. Người thuộc nhóm nguy cơ cao (trong gia đình có người bị ung thư đại trực tràng, polyp), nên tầm soát sớm hơn hoặc theo tư vấn của bác sĩ. Phát hiện sớm ung thư đại trực tràng giúp cải thiện tiên lượng điều trị và cho phép lựa chọn nhiều phương pháp hiệu quả, xâm lấn tối thiểu bằng phẫu thuật nội soi tiêu hóa, ổ bụng, ứng dụng robot phẫu thuật.

Lê Phương