Nga công bố ảnh xe tăng Challenger 2 Ukraine 'nổ bay tháp pháo'

10:53 - 07/11/2024

Kênh truyền hình Nga Rossiya 24 hôm 16/10 công bố hình ảnh được phóng viên hiện trường ghi lại ở tỉnh Kursk, cho thấy tháp pháo xe tăng Challenger 2 của Ukraine nằm dưới đất, giữa một vạt rừng. Phần nóc và phía sau tháp pháo đã bị xé toạc, chỉ còn lại mặt trước, cụm nòng pháo và một phần sườn bộ phận này. Tháp pháo Challenger 2 tại hàng cây ở tỉnh Kursk trong ảnh công bố ngày 16/10. Ảnh: RusVesna Lostarmour, trang phân tích thông tin tình báo dựa trên các nguồn công khai có trụ sở tại Nga, cho biết tháp pháo này là của chiếc Challenger 2 bị máy bay không người lái (UAV) tự sát Lancet tập kích gần làng Sheptukhovka, tây nam tỉnh Kursk, hồi giữa tháng 8. WarGonzo, kênh Telegram ủng hộ quân đội Nga với hơn một triệu lượt theo dõi, cho rằng Challenger 2 có chung điểm yếu với các xe tăng hệ Liên Xô như T-64, T-72, T-80 và T-90. "Nó dùng đầu đạn và liều phóng tách rời, phần lớn nằm ở khoang chứa trong thân, khiến xe tăng trở thành thùng thuốc nổ trên bánh xích", tài khoản này viết. Mặt sau tháp pháo Challenger 2 bị xé toạc trong ảnh công bố ngày 16/10. Ảnh: Rossiya 24 Một số chuyên gia đánh giá khoang đạn trong thân là vị trí được bảo vệ tốt nhất trên xe tăng, vì có nhiều lớp giáp kiên cố bao bọc xung quanh và khó bị bắn trúng hơn tháp pháo. Tuy nhiên, nếu đạn xuyên giáp của đối phương đánh trúng vị trí này, các đầu đạn và liều phóng bên trong sẽ phát nổ dữ dội, thậm chí dẫn đến hiện tượng "nổ bay tháp pháo". Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin. Truyền hình quốc phòng Nga hồi giữa tháng 8 công bố video UAV theo dõi một xe tăng Ukraine rút về nơi trú ẩn trong rừng. Phi cơ tự sát Lancet sau đó lao xuống mục tiêu, gây ra vụ nổ dữ dội. Quân đội Nga không nêu chủng loại xe tăng, nhưng các tài khoản ủng hộ chiến dịch của Moskva nói rằng đó là chiếc Challenger 2 tham chiến tại Kursk.     Xe tăng Challenger 2 có thể đã tham chiến tại tỉnh Kursk Xe tăng nghi là Challenger 2 Ukraine bị UAV Lancet tập kích tại tỉnh Kursk hồi giữa tháng 8. Video: BQP Nga Anh viện trợ tổng cộng 14 xe tăng Challenger 2 cho Ukraine, tất cả được biên chế cho Lữ đoàn Xung kích Đường không số 82 từ tháng 3/2023. Xe tăng Challenger 2 đầu tiên của Ukraine bị bắn cháy gần làng chiến lược Rabotino ở tỉnh Zaporizhzhia hồi tháng 9/2023, đánh dấu lần đầu mẫu xe tăng này bị đối phương phá hủy hoàn toàn kể từ khi được Anh đưa vào biên chế. Quân đội Ukraine sau đó rút Challenger 2 về tuyến sau và sử dụng nó như ổ hỏa lực di động, tránh đụng độ trực tiếp với tên lửa dẫn đường và drone tự sát của Nga. Các binh sĩ Ukraine hồi tháng 3 tiết lộ rằng chỉ 7 chiếc Challenger 2 còn khả năng chiến đấu. Trong 6 xe còn lại, một chiếc dành để huấn luyện ở hậu phương, 5 xe hư hỏng nhưng chưa có phụ tùng thay thế. Hai xe bị hư hại trong chiến đấu nhưng đã được sửa chữa, trong đó một chiếc phải thay nòng pháo. Truyền thông Anh hồi tháng 8 cho biết Ukraine đã triển khai Challenger 2 cho chiến dịch tại tỉnh Kursk của Nga, đồng thời công bố ảnh hiện trường tháp pháo nghi của một chiếc Challenger 2 bị bắn nổ. Vị trí làng Sheptukhovka ở tỉnh Kursk. Đồ họa: RYV Nguyễn Tiến (Theo Rossiya 24, AFP, AP)

Người hôi xăng kể giây phút xe bồn phát nổ khiến 147 người chết

10:53 - 07/11/2024

Sinh viên Sanusi Lawan hôm 16/10 cho biết sau khi xe bồn chở xăng bị lật ở thị trấn Majiya thuộc bang Jigawa, miền bắc Nigeria, người dân tập trung xung quanh để thu gom xăng bị đổ ra ngoài. Lawan nghe thấy những tiếng "hò reo vui mừng" và cùng hàng trăm người mang xô đến gom xăng. Nam thanh niên 21 tuổi xách xô xăng về nhà và em trai thuyết phục Lawan không nên quay lại lấy thêm. Đúng lúc này, họ nghe thấy "tiếng nổ lớn cùng những tiếng kêu đau đớn, sợ hãi". "Chúng tôi vội đến nơi và chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng. Nhiều người bốc cháy, vừa chạy vừa kêu cứu. Nếu không nghe lời em trai, có lẽ tôi cũng đã chết", Lawan cho hay. Thảm kịch đã khiến ít nhất 147 người thiệt mạng. Quan chức địa phương Hambali Zarga cho biết con số này mới chỉ tính những thi thể được chôn trong mộ tập thể và số người thiệt mạng có thể tăng lên. Hàng chục nạn nhân bị bỏng đến mức không thể nhận dạng. Nhiều thi thể được chôn ở nơi khác, trong khi 140 người bị thương đang được điều trị tại các bệnh viện, theo Zarga. Người bị thương được điều trị tại bệnh viện hôm 16/10 sau vụ nổ xe bồn chở xăng ở bang Jigawa, miền bắc Nigeria. Ảnh: AFP Các vụ nổ xe bồn chở xăng thường xuyên xảy ra ở quốc gia đông dân nhất châu Phi, nơi chất lượng đường sá kém. Thảm kịch mới nhất xảy ra vào thời điểm xăng dầu đã trở thành mặt hàng quý hiếm ở đất nước đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Từ khi Tổng thống Bola Ahmed Tinubu bãi bỏ trợ cấp vào năm ngoái, giá xăng đã tăng gấp 5 lần và thường xuyên thiếu hụt. Sự tuyệt vọng của người dân càng tăng lên vào tuần trước khi công ty dầu mỏ nhà nước tăng giá lần thứ hai chỉ trong hơn một tháng. "Ai cũng biết mối nguy khi lấy xăng từ xe bồn gặp nạn, nhưng họ nghèo quá rồi nên không cưỡng lại được sự cám dỗ", sinh viên Lawan cho hay. "Xăng bây giờ chẳng khác nào vàng". Phát ngôn viên cảnh sát Lawan Shiisu Adam cho biết đám đông đã áp đảo những cảnh sát cố ngăn họ. Buhari Ali, công chức 30 tuổi tham gia lễ chôn cất tập thể, nói rằng tình trạng nghèo đói diễn ra khắp đất nước và người dân sẽ làm bất cứ điều gì để có được thức ăn. "Ai cũng đói và họ không thể bỏ lỡ cơ hội hiếm có như vậy", Ali nói.     Nổ xe bồn, 94 người hôi xăng thiệt mạng Hiện trường vụ xe bồn phát nổ ở thị trấn Majiya, bang Jigawa, miền bắc Nigeria, tối 15/10. Video: ATP News Tại Thượng viện ở thủ đô Abuja, các nghị sĩ đã dành một phút mặc niệm nạn nhân. Tổng thống Tinubu cam kết hỗ trợ người bị ảnh hưởng và sẽ "đánh giá nhanh chóng, toàn diện quy trình an toàn vận chuyển xăng trên toàn quốc". Ủy ban An toàn Đường bộ Liên bang Nigeria (FRSC) ghi nhận 1.531 vụ tai nạn liên quan xe bồn chở xăng khiến 535 người thiệt mạng vào năm 2020. Tháng trước, ít nhất 59 người thiệt mạng khi xe chở xăng va chạm xe tải chở hành khách và gia súc ở bang tây bắc Niger. Theo FRSC, hơn 5.000 người chết vì tai nạn giao thông ở Nigeria vào năm 2023, so với gần 6.500 người vào năm trước. Nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), con số thực tế có thể cao hơn vì có những vụ tai nạn không được báo cho cơ quan chức năng. Theo báo cáo được công bố năm ngoái, WHO ước tính số ca tử vong do tai nạn đường bộ hàng năm ở Nigeria lên tới gần 40.000. Các vụ cháy nổ gây chết người cũng xảy ra trên khắp các cơ sở xăng dầu ở Nigeria, một trong những nước sản xuất dầu thô lớn nhất châu Phi. Huyền Lê (Theo AFP)