Hoành Sơn Quan được xây bằng gạch đá năm 1833 thời vua Minh Mạng nhằm kiểm soát việc qua Đèo Ngang, ranh giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình. Công trình cửa ải này dài gần 55 m, cao 2 m. Bên phải và bên trái có tường ngăn, xây dựa theo thế núi. Phía trong ải dựng trại lính ba gian làm chỗ binh lính nghỉ ngơi.

Theo sách Đại Nam Thực Lục của triều Nguyễn, 300 binh lính ở Quảng Bình, Hà Tĩnh xây dựng cửa ải, Thị lang Bộ Công Đoàn Văn Phú được giao nhiệm vụ quản đốc. Công trình hoàn thành trong một tháng, vua phái một suất đội và 20 lính Quảng Bình đến đóng giữ, mỗi tháng thay phiên một lần.

Sau hơn 190 năm tồn tại, Hoành Sơn Quan vẫn giữ được một phần kiến trúc thuở ban đầu của triều Nguyễn. Tuy nhiên, so với Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, Hoành Sơn Quan chưa được quan tâm tu bổ do Hà Tĩnh và Quảng Bình chưa thống nhất địa giới, phương thức quản lý.

Di tích Hoành Sơn Quan trên địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng

Di tích Hoành Sơn Quan trên địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng

Ông Nguyễn Trí Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, cho biết tháng 3/2002, hai Sở Văn hóa Thể Thao Hà Tĩnh và Quảng Bình đã làm việc về di tích Hoành Sơn Quan, mong muốn thống nhất chủ trương đề nghị xếp hạng di tích quốc gia. Tuy nhiên, tháng 8 cùng năm, tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định xếp hạng Hoành Sơn Quan là di tích cấp tỉnh, đi ngược lại thảo luận ban đầu là xếp hạng chung.

Hà Tĩnh sau đó chỉ đạo các sở ngành và địa phương liên quan tổ chức đoàn khảo sát, đo đạc thực địa tại Hoành Sơn Quan, xác định di tích nằm cách đỉnh đèo Ngang trên đường phân thủy 7,7 m về phía bắc, thuộc địa phận thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Sở Văn hóa Thể thao Hà Tĩnh sau đó lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích cấp tỉnh và được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt năm 2005.

Theo ông Sơn, Hoành Sơn Quan do vua Minh Mạng trực tiếp chỉ đạo xây dựng và như lời vua từng truyền đạt trong sử sách thì đây là di sản văn hóa quốc gia, không thuộc sở hữu của Hà Tĩnh hay Quảng Bình. Còn về địa giới hành chính, căn cứ vào đường phân thủy do cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện năm 2007, trên bản đồ ghi rõ Hoành Sơn Quan thuộc địa phận thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh.

Hoành Sơn Quan dưới thời triều Nguyễn. Ảnh tư liệu

Hoành Sơn Quan dưới thời triều Nguyễn. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh cho rằng căn cứ đường phân thủy, việc Hà Tĩnh giao xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Hoành Sơn Quan là đúng thẩm quyền và trách nhiệm theo Luật Di sản văn hóa. Từ năm 1994 đến nay, chính quyền đã khôi phục bậc đá cổ từ quốc lộ 1 lên cổng di tích, lắp biển giới thiệu, xây bậc thang. Qua thời gian, công trình xuống cấp, cần trùng tu lớn, nhưng gặp vướng mắc do di tích đang được hai tỉnh xếp hạng.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình, cho biết trong lịch sử Hoành Sơn Quan thuộc địa giới Quảng Bình, do Quảng Bình quản lý. Nhưng theo địa giới hành chính hiện nay, toàn bộ di tích nằm trên đất Hà Tĩnh. "Việc quản lý và phát triển di tích phải hài hòa, đồng thuận không chỉ về mặt quản lý nhà nước mà còn cả người dân hai địa phương", bà Thủy kiến nghị.

Về hướng xử lý, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh đề xuất cơ quan có thẩm quyền xếp hạng Hoành Sơn Quan là di tích liên vùng, Hà Tĩnh và Quảng Bình cùng khai thác theo hướng phát triển di sản văn hóa, phục vụ du lịch. Còn về mặt bảo vệ, tôn tạo, căn cứ hồ sơ đất, di tích ở tỉnh nào thì tỉnh đó quản lý.

Hoành Sơn Quan, nhìn về hướng Nam là vùng đất thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Đức Hùng

Hoành Sơn Quan, nhìn về hướng Nam là vùng đất xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Đức Hùng

Chung quan điểm, tiến sĩ Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, cho biết trong lịch sử Hoành Sơn Quan cùng Hải Vân Quan có vị trí quan trọng trong việc bố phòng từ xa cho kinh đô Huế. Đó là di sản quốc gia, Quảng Bình và Hà Tĩnh phải chung tay, phối hợp làm hồ sơ công nhận di tích quốc gia để phát huy giá trị di tích. Khi di tích được trùng tu, phục hồi, hai tỉnh cần phối hợp để quản lý, khai thác sao cho có hiệu quả.

"Trước năm 2018, Hải Vân Quan cũng như tình trạng Hoành Sơn Quan như bây giờ, không ai quản lý. Sau nhiều cuộc họp, bắt tay giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, Hải Vân Quan mới được trùng tu, tu bổ như hiện nay", tiến sĩ Hòa nói.

Phản hồi đề xuất trên, ông Trần Xuân Lương, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, cho biết hai tỉnh sẽ phối hợp tổ chức hội nghị hợp tác phát triển văn hóa du lịch nam Hà Tĩnh, bắc Quảng Bình. Cuộc họp sẽ thảo luận, đưa ra hướng giải quyết hợp lý và hài hòa đối với di tích Hoành Sơn Quan.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình cũng xác nhận sắp tới hai tỉnh tổ chức cuộc gặp để phát triển di tích cửa ải Hoành Sơn. Hiện thời điểm gặp chưa được công bố.

Võ Thạnh - Đức Hùng