Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi ngang qua ống cổ tay, gây viêm, đau, tê, giảm hoặc mất cảm giác một phần bàn tay. Dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh gây đau tê tay và cổ tay, cầm nắm khó, bàn tay giảm sự khéo léo, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

ThS.BS Trần Ngọc Chọn, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hội chứng ống cổ tay thường gặp ở những người phải sử dụng cổ tay nhiều như nội trợ, tài xế, thợ may... Trong đó, nhân viên văn phòng thường gặp nhất do thường xuyên dùng máy tính. Việc lặp lại chuyển động của bàn tay và cổ tay thời gian dài do dùng máy tính, gõ bàn phím có thể làm tổn thương các gân cổ tay, gây sưng viêm và tăng áp lực khoang ống cổ tay, từ đó chèn ép lên dây thần kinh. Vị trí tay và cổ tay bị uốn cong hoặc gập duỗi quá mức cũng có thể làm tăng áp lực lên dây thần kinh, dẫn đến hội chứng ống cổ tay.

Bác sĩ Chọn hướng dẫn người làm việc với máy tính nhiều như dân văn phòng có thể áp dụng các cách sau để phòng ngừa hội chứng ống cổ tay.

Nghỉ giải lao thường xuyên: Nhẹ nhàng duỗi và xoa bóp cổ tay định kỳ khoảng 10-30 giây sau mỗi 15-30 phút làm việc. Điều này quan trọng với người phải sử dụng lực cổ tay lớn hoặc làm các công việc đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay. Không chỉ cổ tay và bàn tay, bạn nên thường xuyên tập thể dục cho cánh tay, bả vai, cổ, lưng... để giảm tắc nghẽn, thúc đẩy lưu thông máu.

Tư thế đặt tay đúng khi làm việc: Cẳng tay và cánh tay tạo thành một góc 90 độ, giúp hạn chế tạo áp lực cho vai, cổ tay. Đồng thời, cổ tay cần được duỗi thẳng và cao hơn mặt bàn, không uốn cong cổ tay. Đảm bảo hai tay thoải mái, chuột máy tính ở vị trí dễ tiếp cận và sử dụng.

Thường xuyên làm việc với máy tính là nguyên nhân phổ biến gây ra hội chứng ống cổ tay ở dân văn phòng. Ảnh: Nguyễn Huy

Thường xuyên làm việc với máy tính là nguyên nhân phổ biến gây ra hội chứng ống cổ tay ở dân văn phòng. Ảnh: Nguyễn Huy

Giảm lực cổ tay và ngón tay khi đánh máy vi tính: Hoạt động này giúp cổ tay tránh bị căng thẳng quá mức, làm dịu cơn đau. Tránh các hoạt động bẻ gập hoặc uốn cong cổ tay đột ngột.

Sử dụng chuột máy tính phù hợp với bàn tay: Tạo cảm giác thoải mái, không bị căng đau cổ tay trong thời gian làm việc dài. Nếu làm việc trong môi trường lạnh, dân văn phòng nên dùng thêm găng tay để giữ ấm cổ tay.

Dinh dưỡng: Bổ sung vitamin và khoáng chất, nhất là vitamin B6. Các thực phẩm giàu vitamin B rất tốt cho hệ thần kinh.

Bác sĩ Chọn giải thích tình trạng sức khỏe cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Chọn giải thích tình trạng sức khỏe cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Chọn khuyến cáo người có các dấu hiệu cảnh báo hội chứng ống cổ tay nên đi khám để được điều trị kịp thời. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ có các phương pháp điều trị khác nhau như dùng thuốc giảm đau, kháng viêm theo đường uống hoặc tiêm. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng nẹp cổ tay. Phương pháp này giúp cải thiện các triệu chứng sau 4 tuần điều trị.

Với trường hợp bệnh nặng, có dấu hiệu rối loạn cảm giác, teo cơ hoặc đã điều trị nội khoa nhiều tháng mà không giảm, bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Hiện, phẫu thuật mở khoang ống cổ tay giải áp thần kinh giữa là phương pháp được sử dụng rộng rãi. Người bệnh ít đau, ít mất máu, có thể xuất viện trong ngày.

Phi Hồng

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp