Năm lần gây mê, 20 lần tiểu phẫu, người phụ nữ 50 tuổi, ở quận Long Biên, vẫn mong muốn "phải đẹp hơn". Câu chuyện được bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa, phụ trách chuyên môn Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, giảng viên Đại học Y Hà Nội, chia sẻ hôm 14/10.

Người phụ nữ làm nghề bán hàng online, đã can thiệp rất nhiều bộ phận trên cơ thể, gồm: nâng ngực, mũi, hút mỡ bụng, độn mông, tiêm filler (chất làm đầy) căng chỉ tại mặt, tai, tổng chi phi lên đến hơn một tỷ đồng. Trong đó, đắt đỏ nhất là dịch vụ nâng ngực hơn 140 triệu đồng, độn mông 100 triệu đồng.

Bệnh nhân cho biết luôn luôn cảm thấy chưa hài lòng về nhan sắc, "làm xong bộ phận này thì nhìn sang chỗ khác lại thấy khuyết điểm, nên thẩm mỹ nhiều lần". Mỗi lần gặp bác sĩ, chị luôn hỏi: "Còn chỗ nào cần chỉnh sửa để đẹp hơn không?".

Trong hơn ba năm, người phụ nữ trải qua 5 lần đại phẫu và chục lần tiểu phẫu. Trong lần đặt túi nâng cấp vòng ba, chị bị biến chứng nhiễm trùng vết mổ gây hoại tử, bác sĩ Nghĩa chỉ định tháo túi độn mông. Tuy nhiên, do vẫn muốn vòng ba tròn đầy, người phụ nữ tự tìm hiểu dịch vụ cấy mỡ, tiêm filler vào bộ phận này dù sức khỏe chưa ổn định. Kết quả, vòng ba tiếp tục loét nặng, phải nhập viện.

"Bệnh nhân gặp biến chứng nặng do thực hiện thủ thuật độn, tháo nhiều lần. Đây là một dấu hiệu của bệnh 'nghiện' khi thực hiện thẩm mỹ mức độ liên tục bất chấp hậu quả", bác sĩ Nghĩa cho biết.

Trường hợp khác, nữ 47 tuổi, muốn ngực bớt chảy xệ, trở lại như thời đôi mươi nên đã phẫu thuật nâng ngực 5 lần trong gần 3 năm, tổng chi phí hàng trăm triệu đồng.

Ban đầu, bác sĩ tư vấn chưa nên thực hiện do vừa mới sinh con, song người bệnh vẫn tự ý tìm tới cơ sở khác để làm. Kết quả không như mong muốn, người phụ nữ tiếp tục sửa lần hai nhưng bị ngực lệch, méo mó.

Lần ba, bệnh nhân thu gọn quầng nhưng vẫn không hài lòng. Lần thứ tư, chị quyết định tháo túi ngực. Sau khi rút túi, ngực tiếp tục co kéo mất thẩm mỹ khiến người bệnh tự ti, mặc cảm, quay lại tìm bác sĩ Nghĩa xin tư vấn đặt lại túi ngực.

Trong lần thứ 5 làm ngực và là lần đầu tiên bác sĩ Nghĩa tiếp nhận người bệnh, bệnh nhân chán nản với vòng 1 chảy xệ, nhăn nheo, chi chít sẹo. Bác sĩ chọn xử trí biến chứng, đặt túi ngực, cấy lại mỡ, tư vấn người bệnh không nên can thiệp thêm.

Bác sĩ khám cho một bệnh nhân bị biến chứng ngực. Ảnh: Thúy Quỳnh

Bác sĩ khám cho một bệnh nhân bị biến chứng ngực. Ảnh: Thúy Quỳnh

Tiến sĩ, bác sĩ Tống Hải, Phó giám đốc trung tâm thẩm mỹ, kiêm chủ nhiệm khoa Vi phẫu và tái tạo Viện Bỏng quốc gia, cho biết ngày càng nhiều phụ nữ trung niên tìm đến các dịch vụ như như cắt mí, căng da cung mày (nâng cung mày), căng da mặt, hút mỡ bụng, thu gọn ngực... Điều này một phần do sự kỳ thị với phẫu thuật thẩm mỹ trong xã hội đã giảm, nhiều người có nhu cầu "tu bổ" cơ thể để trở nên trẻ đẹp và tự tin hơn. Nhiều chị em có sự ổn định, an toàn tài chính, sẵn sàng chi tiền mạnh tay cho các dịch vụ làm đẹp.

Việc phụ nữ làm đẹp là nhu cầu chính đáng, nhưng nghiện thẩm mỹ là một căn bệnh, nguy cơ đem lại nhiều hậu quả cho sức khỏe, các bác sĩ khuyến cáo. Theo đó, nghiện phẫu thuật thẩm mỹ là một rối loạn hành vi khiến một người liên tục muốn thay đổi ngoại hình thông qua phẫu thuật. Rối loạn này có thể khiến một người chi trả toàn bộ tiền bạc, thời gian và sự đau đớn cho nhiều cuộc giải phẫu, nhưng không bao giờ đạt cảm xúc hài lòng, thỏa mãn.

Các dấu hiệu nghiện phẫu thuật thẩm mỹ bao gồm: Không hài lòng với bản thân, liên tục khát khao thay đổi ngoại hình, chi tiêu quá mức cho "dao kéo", bất chấp những rủi ro sức khỏe tiềm tàng vẫn tiến hành phẫu thuật, dành quá nhiều thời gian để nghĩ về ngoại hình và các phương pháp làm đẹp...

Bác sĩ Hải cho rằng nhóm nghiện thẩm mỹ là những người có ngoại hình đẹp nhưng luôn cố tìm ra khiếm khuyết để can thiệp. "Họ kỳ vọng quá nhiều, thậm chí phi thực tế vào một ca phẫu thuật làm đẹp. Khi không như mong muốn, họ lại tìm mọi cách để phẫu thuật với hy vọng đẹp hơn nữa. Kết quả sửa chữa quá đà khiến bệnh nhân trở nên ngày càng kém hoàn thiện", ông Hải nhận định.

Thực tế, khi có tuổi, vấn đề sức khỏe nền như huyết áp cao, tiểu đường hoặc bệnh tim, có thể làm tăng rủi ro trong quá trình phẫu thuật. Ngoài ra, một số trường hợp gặp tình trạng chảy máu nhiều hơn, nguy cơ nhiễm trùng cao, phản ứng thuốc gây mê, gây tê, vết thương lâu lành. Da của phụ nữ trung niên cũng không còn đàn hồi tốt như các bạn trẻ, điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả thẩm mỹ.

Bác sĩ Nghĩa khuyên khách hàng cần cân nhắc thận trọng, tìm kiểu thông tin kỹ, bởi lạm dụng dao kéo liên tục sẽ gây hại toàn bộ cuộc sống, chưa kể nhiều người sử dụng các dịch vụ không uy tín, dẫn đến tiền mất, tật mang.

Làm đẹp khôn ngoan là biết lựa chọn các dịch vụ an toàn và biết tìm kiếm, sử dụng các hạng mục phẫu thuật thẩm phù hợp, có kế hoạch chăm sóc sức khỏe đúng đắn. Các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được làm các tiểu phẫu nhỏ. Khi nâng ngực, hút mỡ, đặt túi mông bắt buộc phải thực hiện tại bệnh viện, ông Nghĩa nói.

Với người nghiện thẩm mỹ, cần được khám và tư vấn bởi các chuyên gia tâm thần để hiểu về nguyên nhân căn nguyên của hành vi, từ đó đưa ra các phác đồ điều trị hiệu quả. Trong đó, liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là giải pháp hiệu quả giúp người bệnh thay đổi suy nghĩ cũng như hành vi tiêu cực.

Thúy Quỳnh