Vệ tinh tái sử dụng đầu tiên của Trung Quốc, Shijian 19, trở về Trái Đất. Ảnh: Chinadaily

Vệ tinh tái sử dụng đầu tiên của Trung Quốc, Shijian 19, trở về Trái Đất. Ảnh: Chinadaily

Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết, Shijian 19 sau khi hạ cánh đã được các nhân viên từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tửu Tuyền thu hồi và mở ra để lấy hàng hóa. Bên trong vệ tinh có hạt giống thực vật, mẫu vi sinh vật, thiết bị trình diễn công nghệ, dụng cụ thí nghiệm không gian và một số vật phẩm văn hóa. Ngoài ra, vệ tinh còn mang theo nhiều thiết bị khoa học từ 5 quốc gia, bao gồm Thái Lan và Pakistan.

Trước đó, Shijian 19 phóng lên không gian nhờ tên lửa đẩy Trường Chinh 2D từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tửu Tuyền ngày 27/9. Vệ tinh do Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc tại Bắc Kinh phát triển, mục đích phục vụ các chương trình nhân giống đột biến trong không gian và thực hiện những thử nghiệm bay cho nghiên cứu vật liệu và linh kiện điện tử.

Theo CNSA, vệ tinh có mức độ vi trọng lực tốt và khả năng mang tải lớn. Do đó, nó là nền tảng tốt cho các thí nghiệm vi trọng lực, đồng thời giúp thúc đẩy nghiên cứu về vật lý vi trọng lực và khoa học đời sống.

Cận cảnh vệ tinh Shijian 19. Ảnh: Chinadaily

Cận cảnh vệ tinh Shijian 19. Ảnh: Chinadaily

Trung Quốc phóng vệ tinh có thể thu hồi đầu tiên vào năm 1975, trở thành quốc gia thứ ba sau Mỹ và Liên Xô sở hữu loại phương tiện vũ trụ này. Từ đó đến nay, Trung Quốc đã phóng gần 30 phương tiện vũ trụ như vậy. Chúng giúp các nhà khoa học thực hiện hàng trăm thử nghiệm và thí nghiệm trong không gian. Tuy nhiên, dù thu hồi được, không vệ tinh nào trong số đó có thể tái sử dụng. Điều này đồng nghĩa, chúng phải "nghỉ hưu" ngay khi các nhân viên lấy hàng hóa bên trong ra.

Shijian 19 là một bước đột phá vì vừa có thể thu hồi, vừa tái sử dụng được. Vệ tinh tái sử dụng là sự bổ sung cho trạm vũ trụ Thiên Cung khi thực hiện các thí nghiệm và thử nghiệm trong không gian, theo Wang Yanan, tổng biên tập tạp chí Aerospace Knowledge.

"Do sự tiến bộ nhanh chóng về khoa học công nghệ ở Trung Quốc, chúng ta chứng kiến ngày càng nhiều thí nghiệm khoa học và thử nghiệm công nghệ chờ được đưa lên quỹ đạo.

"Giờ đây, với dịch vụ của vệ tinh tái sử dụng mới, giới nghiên cứu sẽ có nhiều cơ hội hơn để gửi bộ thí nghiệm hoặc thử nghiệm lên không gian. Nền tảng mới này cũng hứa hẹn thời gian chờ đợi ngắn hơn và chi phí thấp hơn, một điều rất hấp dẫn", ông bổ sung.

Thu Thảo (Theo ECNS)