Theo các chuyên gia, quyết định sai lầm là điều rất thường gặp nhưng có 6 quyết định mọi người nên tránh bằng mọi giá nếu không muốn nhận hậu quả nặng nề, lâu dài.

Quyết định dừng việc học

Tất cả chúng ta đều gặp thử thách khi bận rộn hoặc có quá nhiều trách nhiệm khác dẫn đến quyết định thôi học một thứ gì đó. Trên thực tế, khi bạn ngừng tìm kiếm thông tin và dữ liệu mới, các giác quan của bạn trở nên kém nhạy bén với những khả năng của cuộc sống và khiến bạn trở nên nhàm chán.

Việc theo đuổi chủ đề bản thân quan tâm giúp mỗi người luôn tràn đầy năng lượng và cởi mở, như được hỗ trợ bởi nghiên cứu được công bố trên tạp chí Procedia.

Ra quyết định trong trạng thái sợ hãi, lo lắng

Kết quả một phân tích tổng hợp trong Tạp chí Nhận thức và Cảm xúc (Mỹ) cho thấy ra quyết định trong tâm lý tiêu cực sẽ làm méo mó tư duy sáng suốt của bạn, khiến bạn đưa ra những lựa chọn sai lầm.

Theo tiến sĩ tâm lý Ruth Schimel trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào, bạn nên đặt câu hỏi "Tôi có đang lựa chọn hành động chủ yếu dựa trên nỗi sợ hãi hay sự lo lắng không?". Nhờ thế, bạn có thể khám phá những gì bạn thực sự muốn cũng như cách thức để thúc đẩy một kết quả có lợi về lâu dài.

Để người khác quyết định thay

Việc không dám đưa ra quyết định và để người khác quyết định thay là một trong những sai lầm tồi tệ nhất ai cũng có thể mắc phải trong cuộc sống. Chúng ta có thể bị tê liệt vì cảm giác phải đưa ra một số quyết định quan trọng, vì vậy chúng ta trì hoãn việc đưa ra những quyết định đó và đùn đẩy nó vào tay người khác. Khi đó, cuộc sống của bạn do người khác quyết định, làm bạn trở nên thụ động và mất đi sự tự do thể hiện mình.

Quyết định phản bội bản thân hoặc người khác

Quyết định tồi tệ nhất mà một người có thể đưa ra những quyết định cho thấy sự phản bội bản thân hoặc người mà bạn yêu thương.

Một nghiên cứu về chấn thương do phản bội của hai chuyên gia Robyn Gobin và Jennifer Freyd (Hiệp hội tâm lý Mỹ) chứng minh rằng việc lừa dối vợ/chồng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, sẽ hủy hoại cuộc sống của người khác và để lại cho bạn ký ức tiêu cực.

Trong mọi trường hợp, nên đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc, mơ ước, mong muốn của chính bản thân. Nếu điều bạn chọn lựa xung đột với mong muốn của người khác, gây ra sự mâu thuẫn, bạn cần có thời gian để chia sẻ với đối phương và lắng nghe nhau bằng sự đồng cảm.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao tiếp, khi đưa quyết định dựa trên sự đồng cảm và chân thành, bạn sẽ không bao giờ phải hối hận.

Quyết định chỉ để làm hài lòng người khác

Chúng ta thường quan tâm quá nhiều đến việc người khác nghĩ gì mà quên để ý xem mình nghĩ gì. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học tâm lý (Mỹ) cho thấy việc đuổi theo suy nghĩ của người khác chỉ khiến chúng ta kiệt quệ cả về cảm xúc và thể chất. Ra quyết định chỉ để làm hài lòng người khác không giúp bạn sống cuộc đời của chính mình.

Không dám quyết định việc gì

Không quyết định nhiều khi còn tồi tệ hơn cả việc quyết định sai. Chẳng hạn, cuộc hôn nhân của bạn đã xấu đến mức "như rơi xuống 9 tầng địa ngục" nhưng vẫn không dám quyết định chấm dứt.

Theo các nhà tâm lý học, việc hối tiếc về một quyết định trong quá khứ là điều có thể thông cảm. Đôi khi chính sự hối tiếc đó trở thành động lực cho chúng ta tốt hơn trong hiện tại và tương lai nên hãy mạnh dạn ra quyết định, miễn là tránh xa những trường hợp đã nói ở trên.

Thùy Linh (Theo Yourtango)