Đòn tấn công gây thương vong lớn nhất trên lãnh thổ Israel trong hơn một năm qua không phải hai trận tập kích tên lửa đạn đạo của Iran, cũng không đến từ những loạt rocket liên tiếp của Hamas và Hezbollah. Thay vào đó, thiệt hại này do một máy bay không người lái (UAV) của Hezbollah gây ra.

Vụ tập kích diễn ra ngày 13/10, khi chiếc UAV mang theo thuốc nổ của Hezbollah vượt qua hệ thống phòng không nhiều lớp, rồi lao xuống căn cứ huấn luyện gần thị trấn Binyamina, khiến 4 binh sĩ Israel thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Alma, viện nghiên cứu Israel chuyên tập trung vào thách thức an ninh phía bắc, vũ khí được Hezbollah sử dụng trong đòn tập kích này là UAV Mirsad, còn gọi là Ababil-T.

Hezbollah bắt đầu sử dụng UAV do Iran chế tạo sau khi Israel rút quân khỏi miền nam Lebanon vào năm 2000. Dựa trên các mẫu UAV Ababil và Mohajer có kích thước lớn của Iran, Hezbollah bắt đầu phát triển UAV Mirsad.

Lực lượng này lần đầu phóng UAV trinh sát dòng Mirsad vào lãnh thổ Israel vào năm 2004. Nhiều người cho rằng Iran vẫn hỗ trợ đáng kể cho chương trình UAV của Hezbollah và các chuyên gia của nhóm tự lắp ráp phương tiện này.

UAV Mirsad-1 trưng bày tại bảo tàng ở Mleeta, Lebanon tháng 10/2013. Ảnh: Flickr/Froderamone

UAV Mirsad-1 trưng bày tại bảo tàng ở Mleeta, Lebanon tháng 10/2013. Ảnh: Flickr/Froderamone

Tùy vào biến thể, UAV Mirsad có thể mang đầu đạn nặng 40 kg, tầm hoạt động khoảng 120 km và có tốc độ tối đa lên tới 370 km/h, cho phép phương tiện thực hiện những đòn tập kích tương tự ngày 13/10.

Mirsad-2, dựa trên mẫu Mohajer-4, có cánh dài nằm giữa thân và hai cánh đuôi đứng nối với nhau bằng tầng cánh phụ. UAV Mohajer-4 được lắp hai camera, một chiếc hướng về phía trước để quan sát đường bay và một chiếc khác làm nhiệm vụ trinh sát, giám sát. Một số bên cho rằng Mohajer-4 có thể được trang bị camera hồng ngoại.

Mirsad-1, dựa trên mẫu Ababil-T, có cánh ngắn gần đầu máy bay và cánh dài ở phía đuôi. Ababil-T là biến thể xuất khẩu của dòng Ababil, vốn được Iran thay đổi thiết kế nhiều lần trong quá trình hiện đại hóa.

Lực lượng Houthi tại Yemen cũng phát triển mẫu UAV Qasef-1 dựa trên Ababil-T. Khi tình cờ có được các biến thể Ababil-T, Iran nhận ra các nhóm vũ trang mà nước này hậu thuẫn có thể chế tạo loại UAV trên dễ dàng thế nào.

Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Alma cho biết UAV Mirsad-1/Ababil-T là vũ khí chính trong kho của Hezbollah. Chuyên gia Tal Beeri của viện nghiên cứu này cho biết UAV đã trở thành "hệ thống chiến lược lấy cảm hứng từ Iran" của Hezbollah.

Hezbollah tuyên bố đã phóng khoảng 1.500 UAV, drone trinh sát hoặc tấn công từ khi nhóm bắt đầu tập kích miền bắc Israel vào tháng 10/2023 để bày tỏ ủng hộ đồng minh Hamas ở Dải Gaza.

Beeri cho biết phần lớn phương tiện mà Hezbollah phóng mang theo khoảng 10 kg thuốc nổ và có thể bay xa hàng trăm km. Lần đầu tiên và cũng là duy nhất Hezbollah dùng drone có khả năng phóng tên lửa chống tăng là vào hồi tháng 5.

UAV Mirsad-2 (trái) và Mirsad-1 (phải) được Hezbollah trưng bày ở miền nam Lebanon năm 2019. Ảnh: Hezbollah

UAV Mirsad-2 (trái) và Mirsad-1 (phải) được Hezbollah trưng bày ở miền nam Lebanon năm 2019. Ảnh: Hezbollah

Hezbollah sử dụng UAV và drone bào mòn năng lực phòng không của Israel, với loạt trận tập kích nhằm vào tổ hợp hoặc hệ thống chuyên đối phó chúng. Nhóm này hồi đầu năm dùng drone phá hủy khinh khí cầu trinh sát Sky Dew, một thành phần trong lưới phòng không đa tầng của Israel.

Một quan chức an ninh Israel cho biết UAV, drone khó bị radar phát hiện vì chúng bay chậm, phát nhiệt ít hơn tên lửa hoặc rocket. Thân phương tiện có nhiều bộ phận bằng nhựa nên ẩn mình tốt hơn trước radar. Chúng cũng bay theo quỹ đạo khó theo dõi hơn và đôi khi bị nhầm là chim.

Theo Ran Kochav, cựu chỉ huy phòng không Israel, nước này trong nhiều năm tập trung tăng cường năng lực đối phó rocket và tên lửa, không coi UAV hoặc drone là ưu tiên hàng đầu.

"Điều này khiến tỷ lệ thành công trong phát hiện và đối phó UAV, drone của phòng không Israel thấp hơn tên lửa hoặc rocket", Kochav nói.

Khái niệm sử dụng UAV, drone lao thẳng vào mục tiêu còn tương đối mới. Iran và Hezbollah ban đầu dùng phương tiện này để giám sát, sau đó mới tìm cách lắp vũ khí lên UAV, tương tự mẫu MQ-1 Predator của Mỹ.

Tuy nhiên, nỗ lực này vấp phải nhiều thách thức khi UAV vũ trang cần nhân sự điều khiển vũ khí để thả bom hoặc phóng tên lửa. UAV cần kết nối vệ tinh và nhiều loại công nghệ dữ liệu khác mà Hezbollah không thể tiếp cận, hạn chế khả năng kiểm soát trực tiếp phương tiện khi họ lắp vũ khí.

Iran và Hezbollah chọn cách biến UAV và drone thành vũ khí tự sát, tạo ra đạn tuần kích với khả năng bay lòng vòng trên bầu trời chờ thời cơ tập kích mục tiêu. Một số UAV, drone của Hezbollah lại được lập trình sẵn đường bay và mục tiêu để lao xuống.

Hezbollah thu thập thông tin tình báo về địa điểm họ muốn tấn công, sau đó phóng UAV bay theo tuyến đường định sẵn tới nơi này. Nếu không thể đánh trúng mục tiêu, UAV sẽ lao xuống khu vực gần đó.

Vị trí Israel và Lebanon. Đồ họa: AFP

Vị trí Israel và Lebanon. Đồ họa: AFP

Trung tâm Alma nhận định Hezbollah có thể đã mua thêm nhiều loại UAV, drone khác để bổ sung cho kho vũ khí. "Hezbollah rất có thể đã sở hữu các mẫu UAV tiên tiến thuộc dòng Mohajer, Shahed, Samed (KAS-04), Karrar và Saegheh", viện nghiên cứu Israel cho biết.

Shahed-136 là biến thể UAV nổi tiếng nhất thuộc dòng Shahed của Iran, được nhiều bên nhận định có hình dáng tương đồng mẫu Geran-2 của Nga. Shahed-136 nặng khoảng 200 kg, tầm hoạt động trên 2.000 km, có thể mang đầu đạn nặng tới 50 kg.

UAV Shahed-136 có cánh tam giác, động cơ đặt phía sau đuôi, có thể cất gọn trong ống phóng. Thiết kế tương đối đơn giản và dễ vận chuyển khiến Shahed-136 trở thành mẫu UAV lý tưởng cho các nhóm vũ trang như Hezbollah.

Karrar là loại UAV mà Iran phát triển dựa trên mẫu drone mục tiêu MQM-107 Streaker sử dụng động cơ phản lực của Mỹ. Karrar có thể bay tương đối xa và Hezbollah dường như đã dùng chúng trong nội chiến Syria.

Tờ Israel Hayom nhận định Karrar "là tiêm kích của nhà nghèo", do mẫu UAV này có khả năng tấn công tự sát, thả bom và thậm chí phóng tên lửa không đối không.

Hezbollah còn sở hữu Shahed-129, UAV có tầm bay 2.000 km mà Iran phát triển dựa trên mẫu Hermes 450 của Israel. Các biến thể Shahed-129 đời sau có bộ ổn định hình chữ V, hình dạng giống mẫu MQ-1 của Mỹ hoặc những loại UAV tương tự.

Nguyễn Tiến (Theo ToI, AFP, AP, Fars News)