Hơn 30.000 công nhân Boeing tại các nhà máy ở khu vực Bờ Tây (Mỹ) đã đình công một tháng qua, do không hài lòng với thỏa thuận lao động sơ bộ. Theo phân tích mới nhất của hãng tư vấn Anderson Economic Group (Mỹ), việc này đến nay đã khiến Boeing thiệt hại gần 5 tỷ USD.

Trong đó, phần lớn tác động do công nhân và cổ đông Boeing gánh chịu, với 3,7 tỷ USD. Kể từ khi cuộc đình công diễn ra, không một máy bay nào được sản xuất tại nhà máy của hãng ở Everett (Washington, Mỹ).

Công nhân và người ủng hộ bên ngoài một nhà máy của Boeing ở Washington hôm 11/10. Ảnh: Reuters

Công nhân và người ủng hộ bên ngoài một nhà máy của Boeing ở Washington hôm 11/10. Ảnh: Reuters

"Các nhà cung cấp, doanh nghiệp quanh Seattle và khách hàng của Boeing cũng đang chịu ảnh hưởng", Patrick Anderson, CEO Anderson Economic Group, cho biết. Trong đó, các nhà cung cấp cho Boeing thiệt hại tổng cộng 900 triệu USD trong 4 tuần đầu. Công nhân các doanh nghiệp khác ở quanh Seattle thiệt hại 102 triệu USD. Khách hàng của Boeing - các hãng hàng không - cũng phải gánh 285 triệu SUSD.

"Chi phí với Boeing và các cổ đông đang ngày một tăng, do công ty vẫn tiêu lượng lớn tiền mặt. Họ có thể phải vay thêm, hoặc phát hành cổ phiếu để duy trì hoạt động qua đợt đình công. Quá trình hồi phục sau đó cũng sẽ khó khăn", Anderson nói.

Tuần trước, Boeing thông báo sẽ cắt giảm 10% nhân lực toàn cầu, tương đương khoảng 17.000 người, trong vài tháng tới. "Việc kinh doanh của công ty đang gặp khó", CEO Boeing Kelly Ortberg giải thích trong email gửi nhân viên.

Trước cuộc đình công, Boeing vốn đang quay cuồng trong loạt scandal, từ khủng hoảng an toàn bay, sản xuất chậm trễ đến khối nợ lên tới 60 tỷ USD. Thomas Hayes - nhà phân tích tại Great Hill Capital - cho biết việc sa thải có thể tăng sức ép lên người lao động, khiến họ chấm dứt đình công.

Hôm 9/10, Boeing nộp khiếu nại lên Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia (NLRB), cáo buộc công đoàn không thiện chí đàm phán. S&P dự báo Boeing mất 1 tỷ USD mỗi tháng và có thể bị đánh tụt xếp hạng tín nhiệm vì việc này.

Hà Thu (theo CNN, Reuters)