Theo Quy hoạch điện VIII, công suất điện gió ngoài khơi đến 2030 khoảng 6.000 MW, nhưng đến nay chưa có dự án nào được quyết định chủ trương và giao đầu tư.

Tại tọa đàm về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) ngày 16/10, TS Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết Việt Nam đã cấp ba giấy phép cho nhà đầu tư khảo sát biển, để nghiên cứu khả thi làm dự án điện gió ngoài khơi. Nhưng theo ông số này chỉ chiếm phần nhỏ trong 55 đề xuất khảo sát nhà chức trách nhận được tới cuối tháng 8/2022.

Ngoài nhu cầu lớn từ phía nhà đầu tư, vướng mắc trong phát triển điện gió ngoài khơi là thiếu cơ chế đặc thù để thí điểm dự án, khung pháp lý về dài hạn.

Hiện Bộ Công Thương được giao báo cáo Chính phủ các thủ tục cần thiết để đề xuất Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thí điểm khảo sát điện gió ngoài khơi. Nhưng để thí điểm được dự án, ông Toán cho rằng Quốc hội cần ban hành Nghị quyết. Trong đó, nêu rõ quy mô thí điểm ở mức 1.000 - 2.000 MW, thời hạn và giá mua bán loại nguồn điện này. Khu vực, vị trí khảo sát, theo ông, có thể thực hiện ở khu vực biển Quảng Ninh hoặc Bình Thuận.

"Đây là hai nơi có sức gió tốt, thuận lợi về mảng giao biển và dễ huy động các đối tác tham gia", ông cho biết.

TS Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại tọa đàm, ngày 16/10. Ảnh: PVN

TS Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại tọa đàm, ngày 16/10. Ảnh: PVN

Thực tế, theo ông Nguyễn Tuấn, Trưởng ban Thương mại của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC - thuộc PVN), Việt Nam đã chủ động được nhiều khâu trong phát triển điện gió ngoài khơi như khảo sát, mua sắm, thi công lắp đặt trạm biến áp ngoài khơi đến quản lý vận hành, tàu dịch vụ phục vụ dự án gần bờ. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước phát triển nguồn năng lượng này.

Song, theo đại diện PTSC, nếu không đủ hành lang pháp lý, mục tiêu 6.000 MW đặt ra tại Quy hoạch Điện VIII khó đạt được. Vì thế, ông Tuấn đề xuất cơ quan quản lý có các chính sách ưu đãi đột phá với loại hình này. "Làm 1 GW điện gió ngoài khơi tốn kém mấy tỷ USD. Nếu không có cơ chế ưu đãi thì nhà đầu tư sẽ bỏ đi", ông Tuấn nói. Các chính sách được nêu gồm miễn giảm tiền sử dụng đất, mặt nước, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hoặc hỗ trợ về vốn vay.

Ông cho biết tại dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, nhiều quy định vẫn chưa được cơ quan soạn thảo tiếp thu, dẫn tới thiếu cơ chế để phát triển điện gió ngoài khơi bền vững. Do đó, PTSC kiến nghị luật sửa lần này cần quy định việc giao Chính phủ, Thủ tướng quyết định phân kỳ các giai đoạn phát triển của ngành. Các tiêu chí chọn nhà đầu tư, phân cấp, thủ tục phê duyệt chủ trương... cũng cần rõ ràng tại dự luật này.

PTSC cũng đề cập tới việc tăng vai trò của PVN và đơn vị thành viên trong chuỗi cung ứng về điện gió ngoài khơi. Theo đó, các đơn vị này sẽ chủ trì khảo sát địa chất và địa kỹ thuật, đo gió và thủy văn. Nhà nước có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ngành dầu khí tham gia vào chuỗi cung ứng, tăng tỷ lệ cổ phần của họ tại các dự án điện gió ngoài khơi, thí điểm xuất khẩu.

Đại diện Ban Điện và năng lượng tái tạo (PVN) thì đề xuất giao doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ hoặc công ty con (trên 50% vốn) đầu tư dự án đầu tiên. Trong đó, ba yếu tố cần đảm bảo là cơ chế giá điện cần phản ánh đủ các chi phí đầu tư, sản xuất; huy động sản lượng theo khả năng phát của nhà máy và cho phép hợp tác với đối tác nước ngoài.

Thực tế, thời gian qua nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực điện tái tạo ngỏ ý muốn thực hiện dự án điện gió ngoài khơi. Chẳng hạn, Tập đoàn CIP (Đan Mạnh) có kế hoạch phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn công suất 3,5 GW tại Bình Thuận. Hay Tập đoàn PNE đến từ Đức cũng muốn thực hiện một dự án lên tới 4,6 tỷ USD tại Bình Định. Cách đây hơn hai năm, 36 nhà đầu tư trong nước từng xin khảo sát điện gió ngoài khơi. Nhưng ở thời điểm đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị dừng cấp phép do vướng pháp lý.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam khoảng 600 GW. Về triển vọng, nguồn năng lượng này có thể cung cấp 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào 2035. Tuy nhiên, đại diện PTSC nói với công nghệ phát triển trong tương lai, tiềm năng về điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể lớn hơn, lên tới 1.000 GW. Do đó, ông cho rằng Việt Nam cần có những chính sách khuyến khích về xuất khẩu điện gió ngoài khơi để tận dụng nguồn năng lượng, tránh lãng phí.

Dự kiến dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội, xem xét tại kỳ họp thứ 8, khai mạc ngày 21/10.

Phương Dung