Chàng trai ở tỉnh Chiết Giang từng làm việc trong cửa hàng quần áo, sử dụng ứng dụng Douyin để tìm khách hàng. Nhiệm vụ của anh là nói những lời ngọt ngào với khách hàng nữ hoặc lắng nghe tâm sự của những người đàn ông. Họ trả cho anh 33 USD một giờ và phải bật camera trong suốt quá trình nói chuyện.
Tương tự với Lin Shuo ở Hàng Châu. Cô gái 27 tuổi cosplay thành các nhân vật nam trong các trò chơi điện tử nổi tiếng ở Trung Quốc. Ban đầu, cô chỉ thể hiện sở thích cosplay cho đến khi có khoảng 10.000 người theo dõi trên mạng xã hội.
Lin Shuo chuyển sang dịch vụ đưa người hâm mộ, đa số là nữ giới, đi chơi. Họ nhắn tin với cô qua WeChat và trao đổi về sở thích, tính cách trong một tuần. Khi gặp mặt, Lin chuẩn bị cho họ món quà nhỏ để tạo bất ngờ.
Lin và Sun là những người đang làm nghề "bạn đồng hành". Họ được thuê để cùng đi chơi, trò chuyện, mua sắm, leo núi hoặc chơi game cùng khách hàng.
Xu hướng này đã tạo nên thuật ngữ peiban jingji - mô tả nền kinh tế được tạo nên từ dịch vụ bạn đồng hành, chủ yếu được thúc đẩy bởi giới trẻ.
Các chuyên gia xã hội học lý giải sự phát triển của peiban jingji nằm trong bối cảnh người trẻ đang trì hoãn hôn nhân hoặc chọn sống độc thân. Số cặp kết hôn ở Trung Quốc đã giảm đến mức thấp nhất kể từ năm 2013. Trong nửa đầu năm 2024, Trung Quốc có 3,43 triệu cặp đôi kết hôn, giảm gần 500.000 so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới trẻ đang thay đổi tư duy, tập trung vào sự nghiệp, đặc biệt là khi thị trường lao động khắc nghiệt.
"Ngoài vật chất, giới trẻ đang hướng đến sức khỏe tinh thần nâng cao chất lượng cuộc sống", tiến sĩ Zhao Litao ở Viện Đông Á (EAI) thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói.
Dịch vụ pei liao - người bầu bạn - thường được quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu và sàn thương mại điện tử Taobao. Họ triển khai hình thức cho thuê bạn cùng đi mua sắm, chụp ảnh, du lịch và chơi game. Nhiều nhất là ở các thành phố Quảng Châu, Thượng Hải. Báo cáo của công ty chứng khoán Sinolink Securities ước tính rằng vào năm 2025, nền kinh tế peiban jingji có thể đạt từ 5 đến 7 tỷ USD.
Sun làm nghề đã bốn năm nhưng thường xuyên mệt mỏi và căng thẳng. Thời đỉnh cao, anh có trung bình 200 yêu cầu trò chuyện mỗi ngày, thường kéo dài 30 phút đến ba tiếng. Anh phải chọn lọc nhưng thời gian làm việc vẫn dao động 18 giờ mỗi ngày, khiến Sun suy nhược tinh thần.
"Tôi bị căng thẳng quá mức", anh nói.
Trong khi đó, Lin nhận thù lao 70 - 100 USD cho 8 tiếng đi chơi cùng khách hàng nhưng cho rằng thu nhập này chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống. Cô phải chăm sóc cho cô gái trong suốt buổi hẹn như mang vác đồ đạc, mở cửa xe. Lin cũng bỏ tiền ra mua hoa để tạo bất ngờ cho khách, chưa tính chi phí mua đồ trang điểm, quần áo để hóa trang thành nhân vật mà họ yêu thích.
Khi dịch vụ pei liao phát triển, nhưng lo ngại đi kèm cũng tăng lên, đặc biệt là không ít người làm nghề này bị quấy rối, đánh đập.
Sun đã từng bị khách hàng nữ gọi điện thoại hàng ngày và kéo dài hơn một tháng. Anh chặn số không xong, anh buộc phải đổi số.
Ngược lại, Fu, một sinh viên đại học, cũng có trải nghiệm tệ khi sử dụng dịch vụ pei liao. Cô tìm người bầu bạn khi chia tay người yêu nhưng cuộc trò chuyện chỉ toàn lời sến súa hoặc chủ đề nhạy cảm.
Tiến sĩ Lim ở Viện Nghiên cứu An ninh Đông Á (East Asia Institute) cho rằng dịch vụ tìm bạn đồng hành chỉ thỏa mãn cảm xúc tức thời.
"Họ hoàn toàn có thể gặp những đối tượng có mục đích, hành vi phi đạo đức", ông cảnh báo.
Mặt khác, nền kinh tế peiban jingji cũng mang lại cơ hội việc làm linh hoạt, đặc biệt là cho những người trẻ đang học đại học hoặc chưa có việc làm ổn định.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã tăng lên 18,8% vào tháng 8 ở mức kỷ lục. Dịch vụ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn lao động thông thường, đặc biệt là những người cần tiền ngay lập tức.
"Tuy nhiên, bản chất giao dịch này không dành cho mọi người", ông nói. "Mối quan hệ hoàn toàn mang tính thực dụng, dễ dàng chia tay mà không có cảm xúc nào kèm theo".
Đây cũng chính là lý do khiến Fu ngừng tìm kiếm bạn đồng hành để trò chuyện. Cô nhận ra họ chỉ theo một kịch bản, cách họ trò chuyện rất giống nhau. Một số người cố gắng kéo dài thời gian để được trả tiền.
"Không có sự chân thành nên tôi thấy không cần phải tiếp tục nữa", Fu nói.
Ngọc Ngân (Theo CNA)