Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực miền Tây diễn ra ở Cần Thơ, ngày 16/10.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết trước nhiệm kỳ này khu vực miền Tây chỉ có 39 km cao tốc, không có dự án nào chuẩn bị đầu tư xây dựng. Tuy nhiên với sự quyết liệt của Trung ương và các địa phương, mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối tại khu vực chuyển biến rõ nét.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại buổi làm việc, ngày 16/10. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại buổi làm việc, ngày 16/10. Ảnh: Nhật Bắc

Miền Tây được quy hoạch có 6 cao tốc với tổng chiều dài gần 1.200 km. Đến nay toàn vùng có 120 km cao tốc đã khai thác; có 428 km cao tốc đang thi công và phấn đấu hoàn thành năm 2025; có 215 km đang nghiên cứu để chuẩn bị đầu tư, gồm: Đức Hòa - Mỹ An (74 km), Mỹ An - Cao Lãnh (26 km), Hà Tiên - Rạch Giá (100 km), cầu Cần Thơ 2 (15 km).

Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới khối lượng công việc của từng dự án rất lớn, đòi hỏi bộ ngành và địa phương phải hết sức khẩn trương, chủ động vận dụng các chủ trương, cơ chế, chính sách thực hiện. Các bên cố gắng đạt mục tiêu đến hết năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản hoàn thành 600 km cao tốc tại và 1.200 km vào năm 2030.

Chính quyền các địa phương trong khu vực dự án triển khai phải hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 10/2024, không để ảnh hưởng tiến độ dự án.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho hay hàng loạt dự án cao tốc trọng điểm ở miền Tây đang chậm tiến do thiếu cát san lấp. Hiện khu vực triển khai 9 dự án giao thông, với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng, trong đó, 8/9 dự án đang thi công. Riêng dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.

Thi công nút giao cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cuối tháng 7. Ảnh: An Bình

Thi công nút giao cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cuối tháng 7. Ảnh: An Bình

Các nhà thầu đã huy động 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị thi công các dự án trên, tuy nhiên hầu hết dự án đều chậm với kế hoạch từ 4-15%. "Nguyên nhân chủ yếu do thiếu cát đắp nền, việc này gây lãng phí thời gian, nguồn lực nhà thầu, ảnh hưởng hiệu quả thi công và tiến độ hoàn thành công trình", ông Lâm nói.

Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Tài Nguyên và Môi trường, cho hay đến nay các địa phương đã cấp phép 49 mỏ với trữ lượng 50 triệu m3, còn thiếu so nhu cầu. Trước thực trạng lượng cát về miền Tây càng giảm, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề nghị mở rộng sử dụng cát biển và nguồn cát nhập khẩu.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết năm 2017 và 2023, Bộ đã cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu sử dụng cát mặn trong công trình giao thông, dân dụng. Kết quả đạt được rất khả quan, có thể áp dụng, song cần đánh giá thêm tác động với môi trường, vật nuôi... Bộ sẽ tiếp tục đầu tư, nghiên cứu sâu vấn đề này trong thời gian tới.

Hệ thống cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đồ họa: Thanh Nhàn

Hệ thống cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đồ họa: Thanh Nhàn

An Bình