Tủ sách được bố cục làm hai phần. Phần thứ nhất là các cuốn sách do cố Tổng Bí thư viết trong quá trình công tác, từ khi bắt đầu sự nghiệp đến khi giữ những vị trí quan trọng nhất trong Đảng và Nhà nước.

Phần thứ hai là sách viết về ông, gồm những câu chuyện cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến của cố Tổng Bí thư. Tủ sách còn có Sổ tang điện tử, ghi lại tình cảm, sự tiếc thương của người dân và bạn bè quốc tế khi Tổng Bí thư từ trần.

Người đọc có thể truy cập vào tủ sách thông qua địa chỉ http://nguyenphutrong.stbook.vn/.

Theo Ban biên tập, 66 cuốn sách này thể hiện tầm nhìn, trí tuệ, tư tưởng cách mạng, tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh chính trị của một nhà lãnh đạo xuất sắc. Các tác phẩm cũng phản ánh niềm tin yêu, sự kính trọng của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đối với ông.

Giao diện Tủ sách điện tử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Giao diện tủ sách điện tử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Việc lập tủ sách điện tử nhằm hệ thống hóa, lưu giữ và tiếp tục lan tỏa những giá trị tư tưởng, lý luận quan trọng mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại. Đây cũng là kênh thông tin hiện đại, đưa những giá trị tư tưởng, lý luận này đến gần hơn với cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Phát biểu tại buổi lễ, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nói tủ sách điện tử là cơ sở dữ liệu quý phục vụ nghiên cứu, học tập và vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Xuyên suốt các tác phẩm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung làm rõ quan điểm về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư cũng đưa ra những lý luận sắc bén về đường lối quốc phòng, an ninh trong thời kỳ mới; phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến; nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam.

Ông Lương Cường nhìn nhận cuốn sách của cố Tổng Bí thư bàn về vấn đề lý luận rất rộng, nhưng cách trình bày lại rất dung dị, chắt lọc. "Hiếm có sách về lý luận chính trị nào lại được đông đảo nhân dân trong nước và quốc tế quan tâm, đón nhận như vậy", ông nói.

Thường trực Ban Bí thư đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan lan tỏa, phát huy giá trị tủ sách điện tử, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sơn Hà