Huyện miền núi Tiên Phước là thủ phủ trồng cau của Quảng Nam với khoảng 900 ha. Cau được trồng xen với cây ăn quả quanh vườn tạo cảnh quan, lấy trái ăn trầu và bán chủ yếu dịp lễ Tết, cưới hỏi, ma chay...

Cây cau dễ trồng, không tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, chống chọi được gió bão, nắng hạn. Thông thường sau 5 năm ươm trồng, cau bắt đầu cho thu hoạch, đến năm thứ bảy cho quả ổn định. Mỗi cây ra 2-5 buồng, bình quân thu khoảng 14 kg.

Tại Quảng Nam 15 năm trước, cau được thu mua, chế biến khô và xuất khẩu nên người dân trồng nhiều. Năm nay, đầu vụ giá cau 50.000 đồng/kg, lập đỉnh 104.000 đồng/kg.

Cây cau cao 10-20 m, đường kính 25-30 cm, buồng nằm gần ngọn, cho thu quả nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau 20 ngày. Để thu hái, người dân bắc thang, dùng sào hoặc trèo lên.

Người dân Tiên Phước trồng chủ yếu giống cau tre với đặc điểm quả dài, hạt nhỏ, được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Địa phương có khoảng 10 cơ sở chế biến cau xuất khẩu.

Ông Huỳnh Văn Long, xã Tiên Lãnh dùng dây làm đai xỏ vào chân rồi trèo lên ngọn cao hơn 10 m hái quả.

"Cây cau thẳng, có nhiều rong rêu bám, gặp trời mưa sẽ trơn trượt nên phải có đai cố định. Trèo lên cắt cả buồng sẽ tiết kiệm thời gian hơn là dùng sào chọc, phải nhặt quả rơi", ông giải thích.

Chị Nguyễn Thị Thu Vân, xã Tiên Lãnh là thương lái thu mua cau. Để hái quả, chị nối hai cây tre dài hơn 7 m, phía trên buộc liềm.

Chị Vân cho biết sau năm ngày lập đỉnh giá 104.000 đồng/kg, hiện cau xuống 99.000 đồng/kg. Trước 9h sáng mỗi ngày, chủ cơ sở chế biến thông báo giá cau, sau đó mới đến các vườn hái.

Dùng sào thu hoạch cau cần ba người, một người cầm sào gắn với liềm phía trên để cắt. Khi buồng cau rơi xuống, một người dùng cành hứng nhằm giảm lực va đập khiến quả đứt cuống. Người còn lại nhặt những quả bị rơi.

"Với giá hiện nay, tính ra mỗi quả cau hơn 2.000 đồng, bỏ sót quả nào là tiếc quả đó", bà Bảy (xách giỏ nhựa màu đỏ) nói.

Buồng cau đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu phải không non cũng không già, quả dài trên 4,3 cm, đường kính 1,3 cm, trung bình 40-50 quả một kg.

Ông Mai Văn Lai, cùng vợ ở thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước thu hoạch buồng cau nặng hơn 3 kg. Ông có khoảng 100 cây cho thu hoạch và hơn 1.000 cây mới trồng vài năm tuổi. Vào vụ cứ 20 ngày thu hoạch một lần, vợ chồng ông dùng sào cắt xuống rồi tách quả đem cân kg bán.

Không giống nơi khác bán cả buồng cau, vùng Tiên Phước thương lái thu mua quả. Sau mỗi buổi hái, chủ vườn cùng thương lái ngồi tách quả, loại bỏ quả già chín đỏ, hoặc non quá.

Anh Võ Minh Chính cùng chị Vân vác những bao tải cau đi tiêu thụ. Mỗi ngày chị đến các vườn hái và thu mua được gần một tấn. Nghề thu hoạch cau kéo dài từ tháng 8 đến 12 Dương lịch.

Những xe tải chở cau bán cho cơ sở chế biến xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước. Tại xưởng, nhân công cho cau vào nồi hơi luộc chín, hơn một giờ sau thì vớt ra, đưa lên lò sấy.

Cau luộc xong cho vào lò sấy 4-5 ngày thì khô. Hơn 4 kg cau tươi sau khi sấy cho một kg khô. Cau khô được phân loại, đưa vào kho lạnh, chờ xuất khẩu sang Trung Quốc làm kẹo, dược liệu.

Lý giải nguyên nhân cau tăng giá kỷ lục, ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết các nước Trung Quốc, Ấn Độ tiêu thụ mạnh, kéo giá tăng cao.

Toàn tỉnh có hơn 1.000 ha trồng cau, tập trung ở huyện Tiên Phước, Bắc Trà My. Sản lượng bình quân đạt gần 8.000 tấn một năm. "Để tránh việc được mùa mất giá, được giá mất mùa, ngành nông nghiệp đang tính toán giải pháp. Đây mới là năm đầu tăng giá nên cần theo dõi, sau đó đưa ra khuyến cáo người trồng", ông Vũ nói.

Nông dân phấn khởi thu hoạch cau
 
 

Dùng sào, trèo cây hái quả cau. Video: Đắc Thành

Đắc Thành