Trung Quốc vừa trải qua kỳ nghỉ Quốc khánh (1-7/10) với số chuyến du lịch nước ngoài tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Trip.com cho biết 5 điểm đến nước ngoài phổ biến nhất với khách Trung Quốc dịp nghỉ này lần lượt là Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam.

Năm 2018, Việt Nam đứng thứ ba trong danh sách các điểm đến nước ngoài yêu thích nhất của khách Trung Quốc, sau Nhật Bản và Thái Lan. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ tư trong danh sách các điểm đến nước ngoài hàng đầu dịp Tuần lễ Vàng, sau Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc.

Theo ông Steve Nguyen, Giám đốc Thị trường của Trip.com Việt Nam, miễn thị thực giữa các nước với Trung Quốc tạo ra lợi thế đáng kể trong thu hút du khách thị trường này vì "giảm bớt rào cản, tạo ra nhiều chuyến đi giờ chót".

Khách Trung Quốc ở Suối Tiên, Mũi Né dịp tuần lễ vàng. Ảnh: NVCC

Khách Trung Quốc ở Suối Tiên, Mũi Né dịp tuần lễ vàng. Ảnh: NVCC

Từ tháng 1, Thái Lan và Trung Quốc đã ký thỏa thuận miễn thị thực song phương. Còn từ tháng 12/2023, du khách Trung Quốc có thể nhập cảnh vào Malaysia không cần xin visa, chính sách có hiệu lực tới 31/12 năm nay. Với Việt Nam, du khách Trung Quốc vẫn cần xin visa để đi du lịch.

Thi Vĩ Kiệt, hướng dẫn viên chuyên khách Trung Quốc tại TP HCM, nói lượng khách dịp Tuần lễ Vàng năm nay giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2019. Do Kiệt là hướng dẫn viên quen của một số công ty lữ hành nên vẫn được phân hai tour chạy xuyên suốt kỳ nghỉ. Tuy nhiên, anh cho biết nhiều hướng dẫn viên khác ngồi chơi suốt cả tuần, trái ngược cảnh "khát" hướng dẫn viên như trước dịch.

"Thời năm 2018, 2019, chúng tôi còn thoải mái chọn, thích tour nào mới đi dẫn, giờ có tour chạy đã tốt lắm rồi", anh nói.

Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam 9 tháng năm 2024 giảm 32% so với cùng kỳ năm 2019 và 29% so với giai đoạn năm 2018. Bà Nguyễn Thị Hải Nam, Phó tổng giám đốc của lữ hành Quốc tế Toàn Cầu Việt Nam (VGI) chuyên đón khách Trung Quốc, nói lượng khách Tuần lễ Vàng không đột biến so với ngày thường, giảm hẳn khi so với năm 2019.

Trước đây, các đối tác Trung Quốc thường phải lên kế hoạch gửi khách trước ba tới bốn tháng để đảm bảo có đủ dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng tới hướng dẫn viên. Năm nay, VGI nhận được yêu cầu gửi khách từ đối tác Trung Quốc trước một tuần. Cả dịp lễ, công ty có ba đoàn khách, mỗi đoàn khoảng 20 người - so với 20-30 đoàn trong giai đoạn năm 2019.

Ông Từ Quý Thành, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, cũng cho biết lượng khách Trung Quốc hiện tại giảm hẳn so với trước dịch. Sau khi trao đổi với đối tác từ Trung Quốc, ông nhận thấy có hai vấn đề: chính sách visa của một số nước Đông Nam Á thông thoáng hơn và bản thân kinh tế của khách cũng giảm vì dịch.

Trong khi các tour sử dụng máy bay, chi phí cao không được ưa chuộng, VGI lại bán chạy loại tour trong ngày, tham quan thác Bản Giốc (Việt Nam). Đại diện công ty nói họ đón khoảng 50 đoàn khách với số lượng không quá 20 khách mỗi đoàn trong Tuần lễ Vàng. Theo bà Nam, chi phí tour trong ngày rẻ, phù hợp túi tiền nên dễ thu hút du khách.

Khách Trung Quốc chụp ảnh ở khu vực thác Bản Giốc, Cao Bằng trong dịp tuần lễ vàng. Ảnh: VGI

Khách Trung Quốc chụp ảnh ở khu vực thác Bản Giốc, Cao Bằng đầu tháng 10. Ảnh: VGI

Nhiều doanh nghiệp lữ hành ở Trung Quốc cũng than "đây là Tuần lễ Vàng ảm đạm nhất". Bất chấp thống kê "khủng" về lượng khách, các doanh nghiệp du lịch cũng không thu được nhiều vì sức chi tiêu của khách yếu, theo SCMP.

Zhang Haoxi, người sáng lập ấn phẩm du lịch Travel Zone, nói thực tế ngành du lịch khác nhiều với những số liệu tích cực về kinh tế vĩ mô. Khảo sát của Travel Zone cho thấy khách sạn cao cấp ở Thanh Hải cũng chỉ đạt 30% công suất phòng trong Tuần lễ Vàng.

Trong khi đó, Cun Xiaoqin, chủ đại lý du lịch ở Vân Nam nói lượng đặt phòng khách sạn cao cấp giảm đáng kể so với năm trước, khiến doanh thu của cô cũng giảm một nửa. Chi tiêu của du khách kém khiến nhiều người còn không nghĩ có thể bám trụ với ngành du lịch tới Tết Nguyên Đán - thường diễn ra vào tháng 1 và tháng 2 hàng năm với tổng thời gian đi lại lên tới 40 ngày.

Ông Hoàng Minh, chủ một doanh nghiệp chuyên khách Trung Quốc ở Hà Nội, nói thị trường Trung Quốc ảm đạm còn một phần vì sự biến mất của dòng tour 0 đồng - đã bị kiểm soát chặt hơn sau dịch. Các đơn vị lữ hành ở Trung Quốc không còn gom khách theo charter để bán tour 0 đồng vì sợ lỗ. Khi tới Nha Trang, hướng dẫn viên Vĩ Kiệt cũng cho biết khoảng 60-70% cửa hàng chuyên bán đồ cho khách nước ngoài trong tour giá rẻ đã đóng cửa sau dịch.

Trong 9 tháng năm 2024, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đã tăng 141% so với cùng kỳ. Việt Nam vẫn nằm trong top 5 quốc gia được khách Trung Quốc quan tâm nhất trên nền tảng đặt phòng trực tuyến Agoda, tính từ tháng 1/2023 tới tháng 2 năm nay. Lượng khách Trung Quốc Việt Nam hồi tháng 5 từng dẫn đầu top 10 thị trường gửi khách lớn nhất với 357.000 lượt, theo Tổng cục Thống kê.

Một số chủ doanh nghiệp du lịch vẫn lạc quan về sự trở lại của khách Trung thời gian tới do kinh tế đi xuống khiến họ ưu tiên các điểm đến gần, an toàn. Theo bảng xếp hạng mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố cuối tháng 5, Việt Nam xếp hạng cao ở ba tiêu chí là an ninh an toàn (xếp hạng 23/119), giá cả cạnh tranh (hạng 16) và tài nguyên thiên nhiên (hạng 26).

Tú Nguyễn