Jade Lily, Tiktoker người Mỹ vừa gây chú ý khi khoe chuyến mua sắm tại Erewhon - chuỗi cửa hàng tạp hóa cao cấp ở Los Angeles - với hóa đơn 500 USD.

Trong video cô gái 26 tuổi đã mua thực phẩm chức năng, các loại quả mọng đóng gói, sữa chua dừa, nước hầm xương, kombucha, đồ ăn chế biến sẵn. Với Lily, đây là những món đồ thiết thực.

Nhiều người trẻ Mỹ bị hấp dẫn bởi những thực phẩm cao cấp. Báo cáo tháng 6 của Bank of America cho thấy Gen Z chi nhiều tiền cho các cửa hàng tạp hóa cáo cấp hơn bất kỳ thế hệ nào. Một số người trong độ tuổi 20 sẵn sàng làm thêm 2-3 công việc để đủ thu nhập duy trì thói quen mua sắm thường xuyên ở Erewhon.

Đây là một nghịch lý khi người Mỹ thường xuyên phàn nàn về giá thực phẩm leo thang trong những năm gần đây. Theo khảo sát của CreaditKarma hồi tháng 5/2024, hơn 25% người được hỏi đang bỏ bữa để tiết kiệm tiền.

Nhưng một bộ phận người trẻ không bị ảnh hưởng bởi điều này. Họ ưu tiên các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, dù đắt.

Thay vì phát cuồng vì iPhone đời mới hay túi xách hàng hiệu, giới trẻ ngày nay coi thực phẩm và đồ uống cao cấp là thước đo đẳng cấp mới.

Người trẻ Mỹ đang coi thực phẩm vàd đồ uống cao cấp là thước đo đẳng cấp thay vì điện thoại, túi hàng hiệu hay siêu xe. Ảnh minh họa: Delli

Người trẻ Mỹ đang coi thực phẩm và đồ uống cao cấp là thước đo đẳng cấp thay vì điện thoại, túi hàng hiệu hay siêu xe. Ảnh minh họa: Delli

Thế hệ Millennials là người khởi xướng cơn sốt thực phẩm tốt cho sức khỏe với bánh mì bơ và bột ngũ cốc. Gen Z tiếp nối xu hướng này và đưa chúng lên tầm cao mới. Khảo sát của YouGov cho Whole Foods, 70% người thuộc Gen Z sẵn sàng chi nhiều hơn cho thực phẩm cao cấp.

Neeru Paharia, giáo sư tại Đại học bang Arizona (Mỹ), cho biết khi nói đến thực phẩm đắt tiền mọi người thường liên tưởng đến những món đồ tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, việc ưa chuộng những món đồ này là cách khẳng định sức mạnh kinh tế của Gen Z. Thay vì sở hữu nhà và xe hơi như thế hệ trước, nhóm này thể hiện đẳng cấp qua đồ ăn vặt.

Nhưng Gen Z không phải thế hệ tiên phong khi coi thực phẩm là biểu tượng của địa vị. Một bài báo trên tờ New York Times năm 1986 viết: "Thực phẩm bạn mua phản ánh địa vị của bản thân trong xã hội. Đó là cách để nâng cao hình ảnh cá nhân và tìm kiếm cơ hội thăng tiến trong xã hội".

Lily đã mua sắm tại Erewhon trong 6 năm vì thích thực phẩm hữu cơ, không chất bảo quản và tốt cho hệ miễn dịch. Chưa kể, sử dụng đồ ăn đắt tiền cũng giúp cô thể hiện đẳng cấp trước bạn bè.

"Sức khỏe là tài sản, tôi sẵn sàng chi nhiều tiền để bản thân sống tốt hơn, tự tin hơn", cô gái 26 tuổi nói.

Sự đa dạng về chế độ ăn uống như keto, carnivore, plant-based đã tạo ra thị trường ngách màu mỡ cho các thương hiệu. Đây là lý do số lượng sản phẩm trong các cửa hàng tạp hóa tăng chóng mặt, từ 7.000 mặt hàng những năm 1990 lên gần 50.000 sản phẩm hiện nay.

Nate Rosen, 28 tuổi, tác giả của bản tin Express Checkout, cho biết con người luôn muốn thể hiện bản thân qua những món đồ đang sử dụng.

"Suy nghĩ này không bao giờ thay đổi, chỉ có sản phẩm là khác đi", Nate nói.

Mạng xã hội cũng khiến lựa chọn tiêu dùng cá nhân thành công cụ khoe cá tính trước cộng đồng. Giờ đây tủ lạnh, kệ đựng thức ăn, giỏ hàng... cũng trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội.

"Những món đồ từng là riêng tư giờ trở thành công khai", giáo sư Neeru Paharia nói. Ông cho biết ngày càng nhiều người thông qua sản phẩm để thể hiện bản thân và gu thẩm mỹ trên mạng xã hội. Chỉ cần xem trang cá nhân của một người sẽ biết họ là tín đồ của món ăn, thức uống nào hoặc đang sở hữu nhiều hay ít tài sản.

Minh Phương (Theo Business Insider)