Tháp nước Hàng Đậu do nhiếp ảnh gia người Anh chụp năm 1992.

Ảnh hiện được trưng bày tại triển lãm Hà Nội - một thời để nhớ, thuộc chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Sự kiện diễn ra từ ngày 10 đến hết 31/10 tại số 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Những người lái xích lô trên phố Nguyễn Quang Bích năm 1992.

Dưới mỗi bức, tác giả luôn ghi rõ kỷ niệm gắn liền khoảnh khắc ấy. Ở hình ảnh này, ông kể: ''Tại Nguyễn Quang Bích, một nhóm đàn ông ngồi ở một quán nhỏ. Họ ra hiệu cho tôi đến gần và chúng tôi cùng uống trà, hút thuốc lá, uống rượu gạo trước khi chia sẻ bữa trưa cùng nhau. Những bạn mới của tôi là người lái xe xích lô. Một người phụ nữ đưa một số bông hồng cho con gái nhỏ của mình, người sau đó đi đến và tặng chúng cho tôi''.

Tác phẩm Xe xích lô trong khu phố cổ Hà Nội ngập lụt (1998).

Ông Andy Soloman cho biết đến thành phố để du lịch lần đầu vào tháng 10/1992. Trước đó, ông là nhiếp ảnh gia, nhà báo, nhà quản lý âm nhạc ở London. Soloman dự định đến Hong Kong làm việc song chuyến đi tới Việt Nam trong hơn ba tháng đã thay đổi cuộc đời ông. Tác giả chọn sống ở Hà Nội bảy năm (1992-1999), làm việc cho nhiều tờ báo, tạp chí và hãng thông tấn, gồm Reuters. Ông kết hôn một phụ nữ Việt và đón hai con trai tại đây.

Một hàng sửa xe đạp trên đường Tam Trinh cách đây 26 năm.

Theo nhiếp ảnh gia, ông muốn trưng bày các bức ảnh về Hà Nội những năm 1990 từ lâu song cần thời gian để phục hồi chất lượng tác phẩm.

''Tôi nhận ra đây là những ghi chép có giá trị về cuộc sống ở Hà Nội và Việt Nam nói chung. Những hình ảnh về thủ đô chỉ là một phần của dự án lớn hơn, khi tôi đang cố gắng tìm những người mà tôi đã chụp ảnh nhiều năm trước'', ông nói.

Những người bán hàng rong, khu vực chợ Đồng Xuân năm 1992.

Tác giả nhớ nhiều kỷ niệm vui khi chụp ảnh Hà Nội thời điểm đó. Ông nói: ''Mọi người đều thân thiện. Lúc ấy ít người nước ngoài ở thành phố nên người dân rất vui mừng khi gặp gỡ và trò chuyện với tôi, và tôi cũng vậy. Cuộc sống khó khăn, hầu hết mọi người còn nghèo nhưng họ hào phóng và hiếu khách, sẽ chia sẻ những gì mình có".

Vận chuyển gạch tái chế 32 năm trước.

Andy Soloman thường ghi lại hình ảnh những người lao động ngoài đường. Dù công việc vất vả, họ luôn tươi cười trước ống kính.

Thợ mộc gần cầu Chương Dương năm 1992.

Dạo quanh thành phố những năm 1990, nhiếp ảnh gia cho biết: ''Ở Hà Nội, cuộc sống diễn ra trên phố. Nhà cửa thường rất nhỏ và đông đúc. Tôi ngưỡng mộ sự quyết tâm và tháo vát của người dân''.

Giao thông trên phố Bà Triệu năm 1993.

Nhiếp ảnh gia nhận định sau hơn 30 năm, Hà Nội và Việt Nam đã thay đổi, chất lượng cuộc sống của người dân cũng được cải thiện đáng kể. Ông tin rằng điều tạo ra nhiều thách thức nhưng người dân cũng hiểu được tầm quan trọng của phát triển kinh tế song song bảo tồn các giá trị ở quá khứ.

Ông Soloman mô tả bức ảnh Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục: ''Khi Tết 1993 đến gần, những người bán bóng bay lại tập trung tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Không khí lạnh căm cắn qua từng lớp quần áo, nhưng sự phấn khích đang dâng lên trong thành phố là không thể nhầm lẫn khi nó sôi động với sự háo hức và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán''.

Những em nhỏ bán báo ở phố Tràng Tiền 32 năm trước.

Tác giả 62 tuổi, hiện sống tại Anh. Andy Soloman cho biết trong ba năm qua, ông đã dừng mọi sở thích để tập trung vào nhiếp ảnh với sự quan tâm đặc biệt đến Việt Nam. Dịp này, tác giả cùng vợ ở đây bốn tháng, dự định tới các tỉnh phía Bắc để tìm lại những người mà ông đã chụp ảnh 30 năm trước.

Tác giả chụp một người nặn than cám trên phố năm 1992.

Nhiếp ảnh gia nói vinh dự bởi triển lãm ảnh diễn ra dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, vui khi chứng kiến nhiều bạn trẻ đến tham quan. ''Đối với thế hệ trẻ không có ký ức về thời bao cấp, đây là cơ hội để họ hiểu cuộc sống của ông bà, cha mẹ mình như thế nào. Những bức ảnh cũng gợi lại nhiều kỷ niệm cho thế hệ trước''.

Ngoài các tác phẩm về cuộc sống, con người thủ đô thập niên 1990 của Andy Soloman, triển lãm còn giới thiệu những bức ảnh do tác giả Lê Bích thực hiện, ghi lại Hà Nội từ năm 2000 trở đi. Trong hình, nhiếp ảnh gia chụp sông Hồng mùa cạn năm 2008.

Lê Bích chụp khoảnh khắc người bán bánh mỳ rong dưới chân cầu Long Biên năm 2011.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích 52 tuổi, quê Hà Nội. Ông đã tổ chức nhiều triển lãm, gần đây nhất là Mẹ yêu con tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Phương Linh
Ảnh: Nhân vật cung cấp